Triều Tiên có thể triển khai tên lửa đạn đạo Musudan vào năm sau

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể triển khai loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.000 km vào năm 2017, sớm hơn nhiều so với dự đoán.
Tên lửa Musudan trong một cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NBC News.
Tên lửa Musudan trong một cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NBC News.

Reuters ngày 17/10 dẫn lời ông John Schilling, kỹ sư hàng không vũ trụ Mỹ, cho rằng Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan và có thể triển khai hệ thống này ngay trong năm 2017, sớm hơn rất nhiều so với các dự đoán trước đó của Mỹ.

Vụ thử nghiệm tên lửa Musudan gần đây nhất được quân đội Mỹ phát hiện vào ngày 15/10 tại thành phố Kusong ở tây bắc Triều Tiên. Tên lửa gặp sự cố ngay sau khi phóng, nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đều không đưa ra nhận định về lý do dẫn tới sự cố.

Ông Schilling cho rằng việc Triều Tiên thực hiện vụ phóng ở vùng duyên hải tây bắc chứ không phải bãi thử nghiệm truyền thống cho thấy một bước tiến mới trong quá trình phát triển tên lửa Musudan của Triều Tiên.

"Thực hiện vụ phóng ở Kusong giống như bỏ bánh phụ ra khỏi chiếc xe đạp, để xem liệu bạn đã thực sự thành thạo điều gì đó mới mẻ hay chưa", chuyên gia này nhận định.

Theo Schilling, dù chỉ mới thành công một lần trong số 7 vụ phóng thử tên lửa Musudan trong năm nay, Triều Tiên sẽ thu được những kinh nghiệm mới mẻ qua mỗi lần phóng và tránh lặp lại các sai lầm cũ.

"Nếu họ tiếp tục với tần suất này, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung Musudan có thể đưa vào vận hành trong năm sau", Schilling nói.

Chỉ có một trong 7 vụ thử nghiệm tên lửa Musudan đạt được thành công. Ảnh:ABC.net.au.

Tên lửa Musudan có tầm bắn khoảng 3.000 km, đủ sức đe dọa các mục tiêu của Hàn Quốc, Nhật Bản và cả căn cứ trên đảo Guam của Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các bên xác nhận.

Một quan chức Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á cho biết Washington sẽ tăng tốc độ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Nhật Bản cũng có thể chi tới một tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của mình.

Chuyên đề