Trận tập kích giúp kỵ binh Pháp bắt sống cả đội tàu chiến Hà Lan

Kỵ binh Pháp vô hiệu hóa một hạm đội Hà Lan bị kẹt trong vùng biển đóng băng năm 1795 mà không tốn một viên đạn.
Đơn vị kỵ binh Pháp bao vây hạm đội Hà Lan. Ảnh:War History.
Đơn vị kỵ binh Pháp bao vây hạm đội Hà Lan. Ảnh:War History.

Pháp từng sở hữu lực lượng kỵ binh tinh nhuệ dựa theo khuôn mẫu của Hussar, đơn vị kỵ binh hạng nhẹ của Hungary thời trung cổ. Thành tích có một không hai của họ chính là bắt sống cả một hạm đội tàu chiến Hà Lan trong một đêm mà không cần nổ súng vào năm 1795, theo War History.

Sau thành công của Cách mạng Pháp cuối thập niên 1700, nước này từ bỏ chế độ quân chủ và xây dựng chính quyền cộng hòa. Các vương quốc khác ở châu Âu lo ngại ý tưởng cộng hòa của Pháp có nguy cơ lan rộng nên quyết định điều quân trấn áp. Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan lập liên minh tấn công Pháp, dẫn đến cuộc chiến Liên minh lần thứ nhất (1792-1797).

Trước nguy cơ bị xâm lược, Pháp không chịu ngồi yên, quyết định phát động đòn tấn công phủ đầu để giành lợi thế trước liên minh ba nước.

Cuối tháng 12/1975, tướng Jean-Charles Pichegru dẫn quân Pháp lên phía bắc tấn công Cộng hòa Bảy tỉnh Hà Lan Thống nhất. Thời điểm tập kích hoàn toàn chuẩn xác, do nước cộng hòa này bị chia rẽ sâu sắc giữa người ủng hộ hoàng gia (Orangist) và phe ủng hộ cộng hòa (Patriot), cùng một nhóm gia tộc thương mại (Regents). Cuộc đấu đá của ba thế lực này khiến quân Pháp ít gặp phải sự kháng cự.

Ngày 18/1/1795, phe Patriot thực hiện cách mạng ở thủ đô Amsterdam, lật đổ vua William V, khiến ông này phải bỏ chạy đến Anh. Hà Lan sau đó trở thành nước Cộng hòa Batavian. Hai ngày sau, tướng Pichegeru đến đây và được phe Patriot chào đón. Tuy nhiên, Pháp không thể kiểm soát toàn bộ Hà Lan bởi nước này bị chia tách thành nhiều hòn đảo.

Tỉnh Zeeland của Hà Lan vẫn thuộc quyền kiểm soát của phe Orangist, trong khi đảo Den Helder gần đó thuộc Cộng hòa Batavian. Hải quân Anh để mắt đến cảng Den Helder, nhưng thời tiết là yếu tố cản trở họ chiếm cảng này.

Mùa đông 1794-1795 rất khắc nghiệt, khiến nhiều vùng biển bị đóng băng. Hải quân Hà Lan, vốn là những người ủng hộ hoàng gia, muốn thoát ly đến Anh để gặp vua William V. Tuy nhiên, họ khởi hành quá muộn vào lúc thời tiết xấu, dẫn tới bị mắc kẹt trong lớp băng dày trên vùng biển giữa Texel và Den Helder.

15 chiến hạm Hà Lan trang bị 850 khẩu pháo với 5.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến, cùng đội 20 tàu hàng bị mắc kẹt trên vùng biển đóng băng. Sau khi cư dân trên đảo Den Helder thông báo cho quân Pháp về hạm đội mắc kẹt này, đại úy Pháp Louis Joseph Lahure được lệnh dẫn 2000 quân thuộc Trung đoàn kỵ binh Hussar số 8 và Trung đoàn bộ binh số 15 tới ứng phó.

Trận tập kích giúp kỵ binh Pháp bắt sống cả đội tàu chiến Hà Lan ảnh 1

Eo biển nơi hạm đội Hà Lan mắc kẹt. Ảnh:Google Maps.

Nhận thấy lớp băng trên vịnh Texel-Den Helder đủ dày, Lahure ngày 24/1/1975, chỉ huy trung đoàn kỵ binh vượt biển, tiếp cận những chiếc tàu chiến Hà Lan đang mắc kẹt trong băng.

Trung đoàn kỵ binh dàn đội hình nhiều hàng ngang để phân tán khối lượng, cũng như giúp tăng cơ hội sống sót nếu lớp băng bị sụt. Chiến thuật này phát huy hiệu quả, giúp kỵ binh Pháp bí mật tiếp cận hạm đội Hà Lan. Lahure lệnh cho một số lính kỵ binh nhảy lên chiến hạm chỉ huy mang tên "Đô đốc Piet Heyn" của thuyền trưởng Hermanus Reintjes.

Thủy thủ trên các chiến hạm Hà Lan và tàu hàng hiểu rằng họ đang thất thế. Ngay từ hôm 21/1, thuyền trưởng Reyntjes đã nhận lệnh từ Hội đồng Nhà nước Hà Lan và tỉnh West-Friesland rằng không được chống lại người Pháp nếu họ không có hành động hiếu chiến. Tuy nhiên, khi kỵ binh Pháp tiếp cận, Reyntjes vẫn ra lệnh cho binh sĩ vào vị trí chiến đấu, đề phòng trường hợp quân Pháp không muốn tha mạng họ.

Đại úy Lahure tuyên bố không muốn xảy ra đổ máu, hai bên giữ nguyên vị trí. 5 ngày sau, Reyntjes quyết định đầu hàng. Ngày 29/1/1795, hải quân Cộng hòa Hà Lan tuyên thệ trung thành với Pháp, bảo đảm không di chuyển tàu chiến nếu không có sự đồng ý của Pháp và duy trì kỷ luật. Sau thời điểm này, Pháp hoàn toàn làm chủ Hà Lan.

Trận Texel-Den Helder được coi là lần duy nhất trong lịch sử thế giới một hạm đội hải quân bị lực lượng kỵ binh bắt sống trên biển, theo sử gia Mark Pygas.

Chuyên đề