Tồn kho dầu Mỹ bất ngờ giảm, giá dầu lên cao nhất 1 tháng

Lượng tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên sau 6 tuần tăng liên tiếp...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê của Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên sau 6 tuần tăng liên tiếp.

Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động trước khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) triển khai quy định mới hạn chế hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu hàng hải vào ngày 1/1/2020, trang MarketWatch dẫn lời ông Matt Smith, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc Clipper Data, cho hay.

Ông Smith nói cùng với việc Mỹ xuất khẩu ngày càng nhiều dầu thô và nhập khẩu mặt hàng này ít đi, việc các nhà máy lọc dầu tăng hoạt động có thể sẽ dẫn tới một xu hướng giảm lượng dầu tồn kho của Mỹ trong thời gian tới đây.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 12 tại New York tăng 1,49 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, đạt 55,97 USD/thùng. Theo dữ liệu của Dow Jones Market Data, đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 26/9.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, đạt 61,17 USD/thùng, mức chốt cao nhất kể từ 27/9.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/10. Trước đó, tồn kho này đã có 6 tuần tăng liên tiếp. Ngoài ra, dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần.

Trước đó, giới phân tích dự báo tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 4,7 triệu thùng.

"Bộ ba nhân tố gồm hoạt động lọc hóa dầu gia tăng, xuất khẩu dầu tăng và nhập khẩu dầu giảm đã dẫn tới lượng dầu tồn kho dầu thương mại giảm", cho dù dầu từ dự trữ chiến lược được xả ra thị trường - ông Smith nói với MarketWatch.

Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy tồn kho xăng giảm 3,1 triệu thùng và tồn kho các sản phẩm chưng cất giảm 2,7 triệu thùng.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu đã được hỗ trợ bởi thông tin nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, đang cân nhắc giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào đầu tháng 12.

Tuy nhiên, vào ngày thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói hiện chưa có đề xuất chính thức nào về việc điều chỉnh thỏa thuận sản lượng của OPEC+. Với thỏa thuận hiện tại, OPEC+ hạn chế sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày và thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020 nếu không được gia hạn.

Giá dầu hiện đang chịu áp lực giảm từ mối lo rằng kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm theo.

"Mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn còn đó, nhất là từ những nước châu Á nhập khẩu nhiều dầu như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi ngành sản xuất tiếp tục suy yếu", chuyên gia Stephen Innes của AxiTrader nhận xét. "Chưa kể, OPEC đã mất một thị phần lớn vào tay Mỹ - nơi mà sự tăng trưởng bùng nổ của sản lượng dầu đá phiến đã biến nước này thành quốc gia sản xuất nhiều dầu nhất thế giới và một nước xuất khẩu ròng dầu".

Chuyên đề