Thời của những động thái “vô tiền khoáng hậu”

(BĐT) - “Chúng ta đang sống trong thời chiến với virus. Bởi vậy, chúng ta cũng cần phải đối diện với một cuộc chiến kinh tế”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định. 
Trước những thiệt hại do Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ, ngày càng thấy rõ cuộc tấn công của kẻ thù vô hình
Trước những thiệt hại do Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ, ngày càng thấy rõ cuộc tấn công của kẻ thù vô hình

Điều này đúng với thực tế đang diễn ra khi các quốc gia trên toàn cầu phải căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế đối diện với đà suy giảm sâu nhất kể từ năm 2009 tới nay, và có thể là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong bối cảnh này, chính phủ nhiều quốc gia đã mạnh tay tung tất cả các vũ khí sẵn có để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cổ vũ tăng trưởng kinh tế. Thay vì bước từng bước nhỏ trong vài tháng như những cuộc khủng hoảng trước đây, các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu ngay lập tức vào cuộc với các gói hỗ trợ lớn chưa từng có… Đây có thể xem là những động thái vô tiền khoáng hậu để đối phó với một cuộc khủng hoảng hiếm gặp. 

Mỹ “tất tay” với Covid-19

Gói hỗ trợ trị giá 2 nghìn tỷ USD (và nhiều khả năng sẽ nâng lên 6 nghìn tỷ USD) mà Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng 3/2020 là chương trình hỗ trợ tài chính lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Vậy nhưng, con số này vẫn chưa đủ. Chỉ vài ngày sau khi gói 2 nghìn tỷ USD được công bố, giới chức nước này đã bàn bạc về “giai đoạn 4” của chiến lược đối phó với khủng hoảng xuất phát từ đại dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 6/3, Tổng thống Mỹ ký gói chi tiêu trị giá 8,3 tỷ USD, hay còn gọi là “giai đoạn 1” của chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo, giai đoạn 2 được tiến hành bằng việc hỗ trợ khẩn cấp với khoản chi 50 tỷ USD, giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp với giá trị lên tới 300 tỷ USD.

Giai đoạn 3 là thời điểm Tổng thống Trump đề nghị gói hỗ trợ kinh tế gần 1.000 tỷ USD, bao gồm giảm thuế, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các hãng hàng không, phát tiền mặt cho công dân, hỗ trợ bệnh viện… Con số 1.000 tỷ USD sau đó đã được nâng lên 2.000 tỷ USD vào cuối tháng 3 khi Quốc hội nước này chính thức thông qua.

Chưa hết, hàng nghìn tỷ USD cũng được bơm ra thị trường thông qua các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong đó có việc hạ lãi suất bất thường 0,5% trong tháng 3/2020, bước đi bất ngờ với con số nằm ngoài dự báo của các thành viên thị trường. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay. Ngày 12/3, FED tiếp tục mở rộng hơn nữa các chương trình cho vay, bơm thêm 1,5 nghìn tỷ USD ra hệ thống tài chính nhằm bình ổn thị trường tiền tệ.

Chưa kể, FED liên tiếp tái khởi động các gói nới lỏng tiền tệ, mua vào 500 tỷ USD trái phiếu và 200 tỷ USD các tài sản nợ có bảo đảm bằng bất động sản trên thị trường, cổ vũ các nhà băng sử dụng nguồn lực sẵn có đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp… Tính tới nay, FED đang tiến hành hàng loạt gói nới lỏng định lượng (QE), các chương trình mua trái phiếu, mua nợ, tài sản nợ, chứng chỉ quỹ…

Bên cạnh đó, cơ quan này thúc đẩy việc thực hiện các chương trình cho vay đối với doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19 với giá trị cho vay lên tới 600 tỷ USD… 

Giá trị các gói hỗ trợ tài chính đại dịch Covid-19 của nhóm G20 so với GDP tính tới tháng 4/2020

Châu Âu đồng lòng

Châu Âu là một trong những tâm điểm trên toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, với các điểm nóng tại Tây Ban Nha, Ý, Anh… Sau những bất ổn địa chính trị thời gian qua, thế giới chứng kiến Liên minh châu Âu (EU) cùng gồng mình chống chọi những tác động từ dịch bệnh, nhất là việc đảm bảo nền kinh tế có thể đứng vững.

Đầu tháng 3/2020, Ủy ban châu Âu (EC) công bố Sáng kiến đầu tư trách nhiệm với quy mô 37 tỷ EUR tập trung hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khoẻ, thị trường lao động và doanh nghiệp nhỏ… trước tác động từ đại dịch. Tiếp theo, một khung chương trình hành động tạm thời được xây dựng và áp dụng nhằm duy trì thanh khoản cho mọi hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn.

Đáng chú ý, đầu tháng 4, EC triển khai Sáng kiến bảo vệ việc làm và người lao động trước đại dịch, cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 100 tỷ EUR. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo Chương trình mua lại khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) với giá trị 750 tỷ EUR, tập trung vào việc mua tài sản từ các tổ chức công cộng và tư nhân. Con số này, cùng với 120 tỷ EUR của gói thu mua trái phiếu và tín dụng ưu đãi trong tháng 3 đã đưa tổng giá trị của các chương trình khẩn cấp lên mức tương đương 7,3% GDP của EU.

“Một thời điểm khác thường đòi hỏi những hành động phi thường. Chúng tôi cam kết sẽ không có giới hạn nào đối với những nỗ lực vì khu vực. Chúng tôi quyết tâm sẽ sử dụng mọi công cụ hiện có”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết.

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng với Trung Quốc xuống chỉ còn 2,3% trong năm 2020

Đông Nam Á gắng sức

Các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn trước dịch bệnh và ban hành nhiều biện pháp mạnh chống dịch. Đáng chú ý, một số quốc gia đối mặt với nguy cơ dịch Covid-19 bùng nổ lần thứ hai, sau khi tưởng như đã khống chế được dịch. Trong bối cảnh này, bên cạnh vấn đề y tế, câu chuyện kinh tế và cuộc sống của người dân trở thành tâm điểm.

Theo số liệu theo dõi đại dịch Covid-19 tại Đông Nam Á của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế), các quốc gia Đông Nam Á có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn ngừa sự lây lan của virus, cũng như công bố nhiều chương trình nới lỏng tạo bệ đỡ cho nền kinh tế.

Trong đó, Malaysia đã công bố 3 gói hỗ trợ trị giá lần lượt 4,6 tỷ USD, 53 tỷ USD và 2,2 tỷ USD tính từ tháng 2/2020 tới nay. Các chương trình này hỗ trợ tiền mặt tới 4 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp, cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xoa dịu tổn thất của các ngành chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, sản xuất công nghiệp…

Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào giữa tháng 4 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2020 xuống còn âm 1,7%, so với dự báo tăng trưởng 4,3% vào cuối năm 2019.

Philippines là quốc gia chứng kiến số lượng ca nhiễm bệnh tăng mạnh. Nếu xét tới các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng “gây sốc” với việc yêu cầu cảnh sát và quân đội bắn hạ những người chống đối các lệnh yêu cầu cách ly, giãn cách xã hội. Vào cuối tháng 3/2020, ông Duterte đã được trao một số quyền lực tạm thời đặc biệt để đưa ra những quyết định nhanh chóng nhất nhằm đối phó với dịch bệnh, bao gồm phân phối các nguồn lực, đưa ra các lệnh phong toả…

Chính quyền Philippines đã công bố tình trạng khẩn cấp trong 6 tháng, chấp thuận 3 gói hỗ trợ với giá trị lần lượt 3,9 tỷ USD, 610 triệu USD và 1 tỷ USD, trong đó có các biện pháp bao gồm phát tiền mặt, hỗ trợ ngành dịch vụ, cung cấp mức lương tối thiểu cho khoảng 3,4 triệu công nhân tại các doanh nghiệp nhỏ…

Trong nhóm các nước Đông Nam Á, Singapore là quốc gia mạnh tay chi tiền nhất. Gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 33 tỷ USD được thiết kế tập trung vào các ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất (dịch vụ, hàng không, du lịch) và trao tay tiền mặt. Đây là lần thứ 2 Singapore chi tiêu như vậy, sau lần thứ nhất vào năm 2009 khi khủng hoảng tài chính diễn ra (quy mô gói hỗ trợ khoảng 1 nghìn tỷ USD). Tiếp theo, quốc gia này công bố thêm hàng loạt chương trình, với tổng giá trị khoảng 41,6 tỷ USD, tương đương 12% GDP. 

Trung Quốc chọn hướng riêng

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng với Trung Quốc xuống chỉ còn 2,3% trong năm 2020, so với con số 6,1% được đưa ra trước đó. Chính phủ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ công bố các gói hỗ trợ quy mô “khủng” để cổ vũ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lần này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang chọn hướng đi có phần khác biệt so với những gì từng thực hiện vào giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.

Năm 2008, Trung Quốc chi hàng tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng GDP, duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, trong đó có gói hỗ trợ 575 tỷ USD, tương đương 13% GDP Trung Quốc lúc bấy giờ, đồng thời cũng là gói hỗ trợ với quy mô lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Đa phần nguồn vốn được đổ vào các dự án do Nhà nước chỉ định, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng (cao tốc, tàu điện ngầm, sân bay…).

Hiện tại, khi đại dịch diễn ra, các gói hỗ trợ dường như khác thời điểm năm 2008 cả về mục tiêu và quy mô. Thực tế, Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu để cổ vũ tăng trưởng GDP trong thời gian qua khiến quy mô của khối nợ đang đe dọa sự ổn định của nền kinh tế. Chẳng hạn, nợ doanh nghiệp đã ở mức 156,7% GDP, mức cao nhất thế giới. Bởi vậy, quốc gia này cần có lựa chọn hợp lý hơn trong việc sử dụng nguồn lực để giúp nền kinh tế trụ vững trước đại dịch.

Theo Reuters, Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc gói hỗ trợ trị giá khoảng 394 tỷ USD, tập trung thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế hướng tới lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ.

Chuyên đề