Tham vọng khuếch trương Tết Âm lịch của Trung Quốc

Khác với một số ý tưởng muốn bỏ Tết Âm lịch ở nhiều nước, người Trung Quốc đang bày tỏ tham vọng toàn cầu hóa sự kiện này để biến nó thành một đòn bẩy kinh tế, phát huy quyền lực mềm như những gì ngày lễ Giáng sinh đã tạo ra.
Bức ảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth nhìn người múa lân được công bố vào Tết âm lịch năm trước.
Bức ảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth nhìn người múa lân được công bố vào Tết âm lịch năm trước.

Đèn lồng đỏ trang trí tại các lối đi trong siêu thị. Có hẳn một khu vực để bán phong bao lì xì để mọi người dành tặng cho nhau. Các hoạt động giảm giá mua sắm cũng diễn ra sôi nổi. Đó là những cảnh tượng rất dễ thấy tại Trung Quốc, mỗi dịp người dân nước này bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm – Tết Nguyên Đán.

Tuy nhiên, những gì vừa được miêu tả đang xảy ra ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, nơi người gốc Trung Quốc chỉ chiếm 2,5% dân số. “Đó là một dấu hiệu cho thấy ngày năm mới của Trung Quốc đang trở thành một ngày lễ toàn cầu”, tờ The Economist nhận xét.

Một số nước châu Á mừng năm mới Âm lịch theo cách riêng của họ. Nhưng hoạt động múa lân sư rồng tại các phố người Hoa trên khắp thế giới làm Trung Quốc trở nên nổi tiếng nhất khi nhắc đến hoạt động mừng Tết Âm lịch. Ngày nay, lượng người tham gia ăn mừng Tết Âm lịch mà không phải là người Trung Quốc đang gia tăng. Cửa sổ của một số cửa hàng tại Tokyo – Nhật Bản năm nay trang trí nhiều con vật trong 12 con giáp. Tại Barcelona (Tây Ban Nha), một cuộc diễu hành mừng năm mới Âm lịch đã được tổ chức. Mỹ, Canada và New Zealand còn phát hành tem kỷ niệm năm con gà -  con giáp của năm Đinh dậu 2017. Năm ngoái là lần đầu tiên học sinh ở New York được nghỉ học vào ngày Tết Âm lịch của một số nước châu Á.

Sự lan truyền của Tết Âm lịch và lễ hội mùa xuân một phần do hoạt động di cư gần đây của người Trung Quốc. Khoảng 9,5 triệu người Trung Quốc đã đi ra nước ngoài sinh sống kể từ năm 1978. Nhiều người trong số họ dần trở nên giàu có hơn những lớp người đã di cư trước đó. Một nguyên nhân khác đến từ sự thịnh vượng và xu hướng mới của tầng lớp trung lưu Trung Quốc hiện nay. Có khoảng 6 triệu người nước này đi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần. Tận dụng thời cơ, hàng loạt thương hiệu quốc tế tranh thủ tung ra các phiên bản sản phẩm đặc biệt có hình con gà để phục vụ.

Không chỉ các doanh nghiệp, ý thức được sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã có động thái quan tâm đến hoạt động chào năm mới theo Âm lịch. Thủ tướng Anh Theresa May phát hành một đoạn video chúc mừng, một truyền thống được bắt đầu vào năm 2014, từ thời vị thủ tướng tiền nhiệm David Cameron. Năm ngoái, gia đình hoàng gia Anh cũng đăng một bức ảnh lên Twitter cho thấy Nữ hoàng Elizabeth đang ngắm nhìn một người đang múa lân trong dịp Tết. Cũng trong năm 2016, Bộ trưởng văn hóa Venezuela xác nhận nước này lần đầu ăn mừng năm mới Âm lịch với 6 tuần lễ hội nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ngay mới đây, cũng có một số tin hành lang cho rằng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) được tổ chức sớm hơn một tuần so với bình thường nằm tránh đụng với thời điểm Tết Âm lịch của Trung Quốc.

Trung Quốc đang hy vọng lễ hội chào mừng Tết Âm lịch sẽ góp phần thúc đẩy quyền lực mềm của mình ở nước ngoài. Vì vậy, nước này đã liên tục tài trợ cho nhiều hoạt động liên quan như một sự kiện võ thuật ở Cyprus hay một ngôi đền Trung Quốc tại Harare, Zimbabwe. “Những điều này khiến các quan chức Trung Quốc cảm thấy hài lòng khi chứng kiến người nước ngoài trải nghiệm lễ hội chào năm mới của họ. Họ từng than thở rằng Trung Quốc đang rất nhiệt tình với các lễ hội của phương Tây. Ví dụ như Giáng sinh, rất nhiều thành phố tại nước này trang trí hình tượng ông già Noel và các bông hoa tuyết. Họ cho rằng, Tết Âm lịch là một cơ hội để họ đảo ngược dòng chảy văn hóa.”, The Economist bình luận. 

Chuyên đề