S&P 500 lùi nhẹ sau khi lập kỷ lục mới

Giới đầu tư thận trọng hơn trong lúc chờ những diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và quyết định lãi suất của FED...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi lập thêm một mức kỷ lục mới. Phiên này, giới đầu tư thận trọng hơn trong lúc chờ những diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

Theo tin từ Reuters, kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, cùng một đợt cắt giảm lãi suất nữa của FED khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư, đã giữ vai trò quan trọng trong sự đi lên của chứng khoán Mỹ mấy phiên vừa qua. Phiên ngày thứ Ba đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp S&P 500 lập mức cao kỷ lục trong phiên.

Tuy nhiên, các chỉ số chuyển "đỏ" vào cuối phiên sau khi một quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump nói rằng các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn đang nỗ lực đi đến một thỏa thuận thương mại tạm thời, nhưng thỏa thuận này có thể không kịp hoàn tất để lãnh đạo hai nước ký kết ở Chile vào tháng tới.

"Thực sự ấn tượng khi thị trường giữ được thành quả tăng như vậy. Phiên này thị trường giảm nhẹ, nhưng vẫn là một ngày ấn tượng nếu xét đến những gì đang diễn ra. Áp lực bán không hề lớn", chiến lược gia trưởng JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade nhận định.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm có sự phụ thuộc nhiều vào tiến trình đàm phán thương mại, "đuối sức" sau thông tin trên, chốt phiên với mức giảm 0,92%.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 của các công ty lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến diễn biến thị trường phiên này.

Cổ phiếu hai hãng dược lớn là Merck và Pfizer tăng nhờ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, theo đó nâng đỡ hai chỉ số Dow Jones và S&P 500.

Từ đầu năm đến nay, y tế là nhóm tệ thứ nhì trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Tuy nhiên, trong phiên này, y tế là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 1,16% nhờ Merck tăng 3,5% và Pfizer tăng 2,5%.

Trong khi đó, cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google - giảm 2,2% và gây áp lực không nhỏ lên chỉ số Nasdaq, sau khi công ty đưa ra mức lợi nhuận quý không đạt dự báo do chi phí tăng.

Đến nay, đã có 236 số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh, trong đó có hơn 77% báo lợi nhuận vượt dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv. Tuy nhiên, lợi nhuận quý 3/2019 của các doanh nghiệp vẫn được dự báo giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những cái tên lớn sẽ công bố báo cáo trong tuần này gồm có Apple, Facebook, Exxon Mobil và Chevron.

Trong phiên ngày thứ Tư, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là cuộc họp của FED. Giới giao dịch hiện gần như đã chắc chắn FED sẽ hạ lãi suất tham chiếu 0,25 điểm phần trăm và đây sẽ là lần giảm lãi suất thứ ba của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới kể từ đầu năm.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,07%, còn 27.070,68 điểm. S&P 500 giảm 0,08%, còn 3.036,88 điểm. Nasdaq giảm 0,59%, còn 8.276,85 điểm.

Trong phiên, có lúc S&P 500 đạt 3.047,87 điểm, mức kỷ lục giữa phiên thứ hai trong hai phiên liên tiếp.

Cổ phiếu General Motors (GM) tăng 4,28% sau khi hãng xe này công bố lợi nhuận quý vượt dự báo. Tuy nhiên, GM cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm 2019 do cuộc đình công kéo dài 40 ngày của công nhân GM tại Mỹ khiến hoạt động sản xuất của hãng tại Bắc Mỹ tê liệt.

Cổ phiếu công ty "thịt thực vật" Beyond Meat giảm 22,22% sau khi hãng tuyên bố phải tung thêm các chương trình khuyến mạnh do mức độ cạnh tranh ngày càng lớn.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,08 lần số mã giảm giá. Trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 1,03 lần số mã tăng.

Chuyên đề