Sếp lớn lao đao, doanh nghiệp chao đảo

(BĐT) - C-Suite là thuật ngữ dành cho những nhân vật có vị trí “chóp bu” hoặc thuộc ban điều hành cấp cao của doanh nghiệp – những người chịu trách nhiệm cuối cùng về sự thành công hay thất bại của tổ chức. 
Một ngày sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt, đồng loạt cổ phiếu của 3 hãng xe Nissan, Mitsubishi và Renault lần lượt sụt giảm 5,5%, 6% và 8,4%
Một ngày sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt, đồng loạt cổ phiếu của 3 hãng xe Nissan, Mitsubishi và Renault lần lượt sụt giảm 5,5%, 6% và 8,4%

Trong năm 2018 đầy biến động vừa qua, thế giới đã chứng kiến không ít những thăng trầm của các nhà quản lý cấp cao. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nhiều cái tên “đình đám” đã phải chịu chỉ trích từ chính những “phát minh” của mình, một số thậm chí còn rơi vào vòng lao lý. 

Bê bối rò rỉ dữ liệu “ám ảnh” Mark Zuckerberg

Bước ra từ năm 2017 đầy khó khăn khi Facebook bị chỉ trích là đồng phạm vô tình trong nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg đã có một năm 2018 tàn khốc.

Cuộc khủng hoảng của Mark Zuckerberg chính thức bắt đầu vào giữa tháng 3/2018 khi Facebook thừa nhận thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người dùng đã bị khai thác và sử dụng trái phép bởi công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại London - Cambridge Analytica. Không chỉ giá cổ phiếu Facebook sụt giảm 17,8% gây thiệt hại hàng chục tỷ USD vốn hóa công ty trong vòng 10 ngày sau đó, một làn sóng người dùng giận dữ và tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng đã nổ ra, và vụ bê bối còn khiến các lãnh đạo cấp cao Facebook phải ra điều trần trước Quốc hội.

Ngay trong nội bộ của Facebook, một số lãnh đạo cấp cao cũng rời bỏ Công ty sau khủng hoảng về dữ liệu người dùng. Theo tờ The Wall Street Journal, đã có khoảng 10 nhân sự cấp cao rời Facebook trong năm 2018. Sự bất ổn này đã khiến Công ty gặp khó khăn trong việc thực thi một số quyết định về sản phẩm và tinh thần của nhân viên sa sút.

Sự chỉ trích đối với Facebook trong vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng quay trở lại vào tháng 9/2018, sau khi Công ty tiết lộ một lỗ hổng bảo mật đã cho phép tin tặc tấn công đánh cắp thông tin cá nhân - bao gồm số điện thoại, ngày sinh và quê quán - của gần 30 triệu tài khoản người dùng. Sự cố bảo mật tồi tệ trên là rắc rối lớn thứ hai đối với Facebook trong năm 2018 và là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Zuckerberg nhằm xây dựng lại lòng tin với người dùng mạng xã hội, Bloomberg cho hay.

Những bê bối và chỉ trích cuối cùng cũng có thể tấn công vào điểm gây tổn thương nhất đối với Facebook, đó là tăng trưởng. Theo Reuters, kết quả kinh doanh thất vọng trong quý II của Facebook là dấu hiệu đầu tiên cho thấy vụ bê bối Cambridge Analytica đã thực sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này. Ngay sau báo cáo doanh thu và tăng trưởng người dùng không đạt kỳ vọng, đi kèm là những cảnh báo không mấy sáng sủa về tăng trưởng tương lai và chi phí gia tăng, cổ phiếu Facebook đã lao dốc 19%. Với gần 120 tỷ USD bị “bốc hơi” khi đó, Facebook trở thành công ty niêm yết có cú giảm vốn hóa lớn nhất lịch sử chứng khoán Mỹ. Bên cạnh đó, khối tài sản của CEO Zuckerberg cũng “không cánh mà bay” 16 tỷ USD. Rõ ràng, việc cổ phiếu Facebook sụt giảm chính là lời cảnh tỉnh về quyền riêng tư dành cho Mark Zuckerberg, tờ The Washington Post nhận xét. 

Những lần “vạ miệng” của Elon Musk

Không có gì đáng ngạc nhiên khi năm 2018 là một năm đầy khó khăn với Elon Musk – người đứng đầu hãng hàng không vũ trụ SpaceX và nhà sản xuất xe điện Tesla. Trong khi các công ty của ông trải qua các mốc quan trọng như chuyến bay lịch sử của tên lửa Falcon Heavy hay việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất xe Model 3 vào phút chót, vị CEO “thất thường” cũng đã gây ra không ít rắc rối cho bản thân và Công ty bằng những hành động và phát ngôn tranh cãi trong suốt một năm qua.

Giữa tháng 7/2018, chỉ vài ngày sau khi Công ty Quản lý tài sản Baillie Gifford - một trong những cổ đông lớn nhất của Tesla - cho rằng hãng xe điện cần một khoảng thời gian “yên ổn và chuyên tâm vào công việc” và “sẽ tốt hơn nếu chỉ tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi”, Elon Musk đã vướng vào rắc rối khi có những lời lẽ miệt thị đối với thợ lặn người Anh Vernon Unsworth – người đóng vai trò chủ chốt trong vụ giải cứu đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang động ở Thái Lan. Mặc dù sau đó đã gửi lời xin lỗi tới Unsworth, vụ việc trên cũng khiến Elon Musk mất tới hơn 295 triệu USD do cổ phiếu Tesla sụt giảm 3% khi các cổ đông và giới chỉ trích cho rằng thái độ hiếu thắng của ông có thể ảnh hưởng tới sứ mệnh của Tesla.

Chưa đầy một tháng sau, những dòng tweet về việc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân ở mức giá cổ phiếu 420 USD của Elon Musk bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc là “tuyên bố sai lệch và gây hiểm nhầm” đã khiến ông phải thôi chức Chủ tịch Công ty ít nhất 3 năm và nộp phạt 20 triệu USD. Theo SEC, những đăng tải của vị CEO này đã khiến giá cổ phiếu Tesla biến động mạnh trong nhiều tuần và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường. Bên cạnh đó, SEC cũng áp mức phạt 20 triệu USD lên Tesla và chỉ định công ty này bổ nhiệm hai giám đốc độc lập mới trong hội đồng quản trị, thay đổi sâu sắc bộ máy quản lý doanh nghiệp.

Hãng xe điện tiếp tục rơi vào khủng hoảng sau khi bất ngờ xuất hiện hình ảnh Elon Musk ung dung hút cần sa và uống rượu trong một buổi phỏng vấn được lan truyền trên mạng hồi tháng 9. Cổ phiếu Công ty khi đó ngay lập tức giảm 9%. Hành động của Elon Musk đã khiến cho một số lãnh đạo cấp cao của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cảm thấy lo ngại, và sau đó đề xuất phải kiểm tra lại văn hóa doanh nghiệp tại những công ty đối tác của NASA, trong đó có SpaceX.

Dường như Elon Musk không biết giới hạn của bản thân trên mạng xã hội. Trái ngược với hình ảnh của một tỷ phú thiên tài được nhiều người hâm mộ, Elon Musk đã trải qua một năm sóng gió chỉ bắt nguồn từ những hành động và phát ngôn “vu vơ” của mình. 

Sếp lớn doanh nghiệp vướng vòng lao lý

Năm 2018 cũng chứng kiến một số lãnh đạo cấp cao của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới bị rơi vào vòng lao lý và ảnh hưởng của những sự kiện đó đến chính công ty của họ, cũng như đối với quốc gia và thậm chí còn đối với cả quan hệ quốc tế.

Tháng 6/2018, CEO hãng xe sang Audi Rupert Stadler bị bắt tại Đức trong một cuộc điều tra về gian lận khí thải. Ông Stadler làm việc cho Volkswagen từ năm 1994 và trở thành CEO của Audi vào năm 2007. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng mạnh lên Volkswagen nói riêng và cả ngành công nghiệp ô tô Đức nói chung. Ngoài việc giá cổ phiếu lao dốc, Volkswagen thiệt hại hơn 30 tỷ USD để thu hồi xe, cũng như các chi phí pháp luật khác.

Ngày 19/11, Chủ tịch của Nissan Motor Carlos Ghosn cũng bị bắt với tội danh gian lận tài chính, trốn thuế và sử dụng tiền công quỹ cho mục đích cá nhân. Sự kiện này đã làm rúng động nền công nghiệp ô tô thế giới bởi ông Carlos Ghosn được nhìn nhận như một tượng đài trong ngành công nghiệp ô tô với 40 năm kinh nghiệm. Ông Carlos Ghosn cũng là người đã làm “sống lại” hãng Renault tại Pháp. Một ngày sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt, đồng loạt cổ phiếu của 3 hãng xe Nissan, Mitsubishi và Renault lần lượt sụt giảm 5,5%, 6% và 8,4%.

Đầu tháng 12, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tiến thêm một bước khi Trung Quốc hạ thuế quan đối với ô tô Mỹ từ 40% xuống 15%, thì việc bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị bắt tại Canada theo đề nghị của cơ quan chức năng Mỹ khiến dư luận thế giới băn khoăn không rõ căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm bớt hay tăng thêm.

Vụ việc trước hết đã làm ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh của Huawei. Mới đây, Chủ tịch của tập đoàn này, ông Ken Hu, cho rằng nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này là nạn nhân của "ý thức hệ và địa chính trị". Nhận xét của ông được đưa ra sau khi Huawei bị cấm tại một số thị trường lớn nhất thế giới về công nghệ 5G.

Ngoài ra, hình ảnh bà Mạnh Vãn Châu bị làm khó dễ ở Canada cũng có thể làm gia tăng cơn sốt về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc và cản trở khả năng đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Chuyên đề