Quốc hội Anh nhất trí đề nghị EU hoãn Brexit

Quốc hội Anh ngày 14/3 nhất trí để Thủ tướng Theresa May đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn Brexit...
Các quan chức và nghị sỹ Anh trong cuộc bỏ phiếu về hoãn Brexit tại Quốc hội nước này ngày 14/3 - Ảnh: BBC.
Các quan chức và nghị sỹ Anh trong cuộc bỏ phiếu về hoãn Brexit tại Quốc hội nước này ngày 14/3 - Ảnh: BBC.

Quốc hội Anh ngày 14/3 nhất trí để Thủ tướng Theresa May đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn việc nước này ra khỏi khối, hay còn gọi là Brexit. Động thái này mở đường cho bà May nối lại những nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội chấp nhận thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU.

Theo tin từ Reuters, với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống tại Quốc hội, Thủ tướng May đã có thể đề nghị EU cho hoãn Brexit.

Trong thời gian từ nay đến ngày 20/3, nếu Quốc hội Anh đi đến nhất trí với một thỏa thuận Brexit, thì Brexit sẽ chỉ bị trì hoãn trong một thời gian ngắn. Còn nếu đến ngày 20/3 vẫn không có thỏa thuận nào được phê chuẩn, Brexit sẽ bị trì hoãn trong một thời gian dài hơn.

Như vậy, nhiều khả năng nước Anh sẽ không rời EU vào đúng ngày 29/3 như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề còn chưa rõ là sự trì hoãn có thể kéo dài bao lâu.

Ngoài ra, sự trì hoãn này cũng đòi hỏi phải có sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên còn lại của EU - khối dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày thứ Năm tuần tới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nói rằng tại cuộ họp thượng đỉnh này, EU có thể tìm cách trì hoãn Brexit trong thời gian ít nhất 1 năm.

Bà May hy vọng rằng một thời gian trì hoãn Brexit kéo dài sẽ khiến các nghị sỹ ủng hộ Brexit trong Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận mà bà đã đạt được với EU.

Trước đó, thỏa thuận Brexit mà bà May nhất trí với các nhà lãnh đạo châu Âu đã hai lần bị Quốc hội Anh từ chối, vì cho rằng thỏa thuận đó vẫn khiến London chịu nhiều ràng buộc sau khi ra khỏi EU. Tuy nhiên, Quốc hội cũng không nhất trí để Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào vì lo ngại bất ổn kinh tế có thể xảy ra.

Giới doanh nghiệp đã cảnh báo rằng việc xóa bỏ ngay những mối liên kết đã tồn tại 40 năm qua giữa Anh với EU và thị trường chung 500 triệu dân của khối này mà không có một thỏa thuận chuyển giao sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit nói rằng việc cắt đứt hoàn toàn với EU sẽ giúp nước Anh trong dài hạn có thể ký kết thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác trên thế giới.

Theo dự kiến, Quốc hội Anh sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit của bà May vào tuần tới. Nếu thỏa thuận tiếp tục bị từ chối, thì Brexit có thể bị trì hoãn kéo dài, thậm chí đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ.

Trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, cử tri Anh bỏ phiếu với tỷ lệ 52% thuận và 48% chống Brexit - một quyết định gây chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái và trong lòng xã hội Anh.

Đồng Bảng Anh biến động mạnh tuần này theo các diễn biến của Brexit. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đồng Bảng tụt khỏi mức đỉnh của 9 tháng thiết lập trước đó, do giới đầu tư lo ngại rằng bà May khó có thể được Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận Brexit trong tuần tới.

Chuyên đề