Paris muốn trở thành trung tâm tài chính quan trọng nhất của châu Âu

Paris có thể thế chân London trở thành trung tâm tài chính quan trọng nhất của châu Âu trong vài năm tới.
Một góc Paris. (Nguồn: Reuters)
Một góc Paris. (Nguồn: Reuters)

Trả lời phỏng vấn ngày 26/1 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã chỉ ra những ưu điểm của Paris trong cuộc đua trở thành trung tâm tài chính của châu Âu cùng các thành phố khác.

Ông Le Maire đánh giá Pháp có một cơ chế pháp lý mạnh, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành các cuộc cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và Paris là một thành phố quyến rũ đáng sống. Ông nhận định Paris có khả năng trở thành trung tâm tài chính quan trọng nhất ở châu Âu sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Paris cùng với Frankfurt, Dublin và Amsterdam là các thành phố muốn thu hút các ngân hàng ở London, vốn muốn ở lại thị trường chung châu Âu sau khi Anh rời EU vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp này sẽ không di chuyển ồ ạt khỏi Anh trong năm 2018, với hy vọng về một kịch bản "Brexit mềm."

Trước đó, theo cuộc khảo sát của hãng tin Reuters trong tháng Chín, có tới 123 hãng với khoảng 10.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính sẽ chuyển hoạt đông làm ăn khỏi Anh hoặc mở văn phòng ở nước ngoài trong những năm tới nếu Anh không đứng ngoài thị trường chung châu Âu.

Frankurt là điểm đến thân thiện được nhiều lãnh đạo ngân hàng tính tới, trong khi Paris đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, tháng 11 vừa qua, sau khi EU quyết định chuyển văn phòng ngân hàng ở London sang thủ đô của Pháp, vị thế của Paris đã được nâng cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng đã tổ chức một chiến dịch vận động hành lang để thu hút các ngân hàng quốc tế ở London. Ngày 22/1, một ngày trước khi Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos khai mạc, Tổng thống Macron đã tiếp đón 140 lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia tại cung điện Versailles trong chiến dịch "Chấn hưng nước Pháp."

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết luật lao động chặt chẽ của Pháp và thuế doanh nghiệp tương đối cao vẫn là rào cản đối với Paris. Các ngân hàng cho rằng vẫn cần phải xem các cải cách của mà Tổng thống Macron đã công bố có được duy trì hay không trước khi đưa ra quyết định./. 

Chuyên đề