OPEC từ chối giảm sản lượng, giá dầu vẫn tăng

Thông tin dự trữ và sản lượng dầu thô tại Mỹ giảm mạnh đã hỗ trợ quan trọng cho giá dầu...
Việc OPEC từ chối giảm sản lượng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu trong nửa sau năm 2014 - Ảnh: Oil Field.
Việc OPEC từ chối giảm sản lượng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu trong nửa sau năm 2014 - Ảnh: Oil Field.

Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu Brent đóng cửa ở mức trên 50 USD/thùng lần đầu tiên từ đầu tháng 11/2015 bởi dự trữ và sản xuất dầu thô tại Mỹ tiếp tục thu hẹp, theo tin từ Wall Street Journal.

Vào đầu phiên giao dịch ngày hôm qua, các loại giá dầu giảm sau thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc họp mà không có một quyết định nào liên quan đến điều chỉnh sản lượng dầu được đưa ra. 

Sau đó, khi số liệu về sản xuất và cung dầu thô được công bố vào giữa buổi sáng, giá dầu trên các thị trường phục hồi trở lại.

Việc sản lượng dầu thô của Mỹ giảm cho thấy việc giá dầu thấp và các công ty giảm đầu tư đang dẫn đến việc nguồn cung bị thu hẹp dần và làm giảm bớt tình trạng thừa dầu mà không cần đến bất kỳ động thái nào từ OPEC.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 7/2016 đóng cửa tăng 32 cent tương đương 0,6% lên mức 50,04 USD/thùng trên thị trường London. 

Thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 7/2016 tăng 16 cent tức 0,3% lên 49,17 USD/thùng.

Ngày thứ Năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/5/2016. Dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây.

Sản lượng dầu thô trong tuần cũng rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 9/2014, nguyên nhân chính là bởi các công ty năng lượng thu hẹp đầu tư.

Cũng trong ngày thứ Năm, OPEC tuyên bố không đưa ra được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến giảm sản lượng dầu. 

Việc OPEC từ chối giảm sản lượng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu trong nửa sau năm 2014. 

Những tháng gần đây, đồn đoán về khả năng OPEC chấp thuận không tăng sản lượng đã giúp giá dầu phục hồi mạnh từ mức thấp nhất trong 13 năm thiết lập vào giữa tháng 2/2016. Giá dầu trên thị trường Mỹ tăng được 85%.

Tuy nhiên, bất kỳ đề xuất nào về việc không tăng sản lượng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Iran. Iran đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu khi các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại nước này được giỡ bỏ.

“Dù OPEC không chấp thuận giữ nguyên sản lượng nhưng cân bằng cung - cầu trên thị trường năng lượng thế giới vẫn điều chỉnh trong những tháng gần đây. Tất cả các nước thành viên OPEC vẫn muốn tăng sản lượng vì rất nhiều lý do kinh tế và chính trị”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Aberdeen Asset Management, ông Bob Minter, nhận xét.

Còn theo Tổng thư ký mới của OPEC, ông Mohammed Barkindo, OPEC sẽ có thể đưa ra mức trần sản lượng trong tương lai, còn ở hiện tại, không có lý do gì để chờ đợi vào một thỏa thuận như thế. 

Chuyên đề