Nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán Mỹ bị bán tháo

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên bán tháo mạnh vào ngày thứ Sáu, khiến cả ba chỉ số chính cùng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 22/3 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 22/3 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên bán tháo mạnh vào ngày thứ Sáu, khiến cả ba chỉ số chính cùng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Loạt dữ liệu kinh tế u ám từ Mỹ đến châu Âu đã khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kết thúc 5 ngày giao dịch đầy biến động của tuần này, cả S&P 500, Dow Jones và Nasdaq cùng chốt tuần trong trạng thái giảm, hãng tin Reuters cho hay.

Thống kê cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ trong tháng 3 yếu hơn dự báo. Trước đó cùng ngày, châu Âu và Nhật Bản cũng công bố những báo cáo u ám tương tự.

Nỗi lo của giới đầu tư sau khi loạt dữ liệu xấu này được đưa ra đã khiến đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ rơi vào tình trạng đảo ngược: lần đầu tiên kể từ năm 2007, lợi suất tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Sự đảo ngược của đường cong lợi suất vốn được xem là một dấu hiệu của rủi ro ngắn hạn. Nhiều nhà đầu tư coi đây như một chỉ báo của một cuộc suy thoái sắp xảy ra, hoặc chí ít là sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Có một số ý kiến cho rằng thị trường đang phản ứng "quá đà" với sự đảo ngược của đường cong lợi suất.

"Ở một góc độ nào đó, phản ứng hiện nay với đường cong lợi suất là thái quá", chuyên gia kinh tế trưởng Bernard Baumohl của Economic Outlook Group nhận xét. "Tôi không vội đi đến kết luận rằng suy thoái sắp xảy ra".

Tuy nhiên, ông Baumohl cũng không nhận thấy có lý do để lạc quan vào thời điểm này. "Đang có những đám mây thực sự nổi lên trên đường chân trời. Vấn đề là những đám mây đó sẽ u tối đến mức nào, và liệu chúng có gây ra một trận bão suy thoái hay không".

Hôm thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày bằng dự báo sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019, trên cơ sở tăng trưởng kinh tế yếu đi không chỉ ở Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Cổ phiếu các công ty dịch vụ tài chính, nhóm nhạy cảm với lãi suất, giảm 2,8% phiên này, chốt lại tuần tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo hồi giữa tháng 12 năm ngoái.

Chốt phiên, Dow Jones giảm 1,77%, còn 25.502,32 điểm. S&P 500 sụt 1,9%, còn 2.800,71 điểm. Nasdaq "bốc hơi" 2,5%, còn 7.642,67 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ ngày 3/1. Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 1,3%, S&P 500 hạ 0,8%, và Nasdaq trượt 0,6%.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số vẫn tăng điểm mạnh nếu so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Dow Jones tăng 9,2%, S&P 500 tăng 11,7%, và Nasdaq tăng 15,2%.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ tiện ích chốt phiên ngày thứ Sáu trong trạng thái "xanh".

Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) đo lường nỗi sợ hãi của thị trường nhảy lên mức cao nhất 2 tháng.

Cổ phiếu Nike sụt 6,6% sau khi hãng thời trang thể thao cho biết doanh thu tại thị trường Bắc Kinh không đạt dự báo.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla sụt 3,5% sau khi một công ty phân tích dự báo ảm đạm về doanh số mẫu xe Model 3 tại thị trường Mỹ.

Cổ phiếu Boeing trượt 2,8% sau khi hãng hàng không Garuda của Indonesia hủy đơn hàng 6 tỷ USD mua máy bay 737 Max với lý do là mối lo an toàn sau vụ rơi máy bay loại này của hãng Ethiopian Airlines.

Cổ phiếu Netflix sụt 4,5% trước thềm sự kiện của Apple vào ngày thứ Hai, sự kiện mà "táo khuyết" được dự báo sẽ trình làng dịch vụ truyền hình trực tuyến cạnh tranh với Netflix.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,69 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 4,9 lần.

Có tổng cộng 8,66 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,71 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề