Những thị trường chứng khoán tăng giảm mạnh nhất năm 2018

Chứng khoán Ukraine tăng tốt nhất thế giới với hơn 80%, còn Venezuela thì ngược lại khi giảm gần 95%.
Thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo trong năm 2018 với hàng loạt biến cố bất ngờ. Ảnh:Reuters
Thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo trong năm 2018 với hàng loạt biến cố bất ngờ. Ảnh:Reuters

Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã trải qua một năm biến động mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mối lo ngại về lãi suất tăng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các vấn đề địa chính trị - như Brexit - khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp cá biệt như Ukraine. Bất chấp những khủng hoảng địa chính trị gia tăng, Ukraine vẫn trở thành thị trường chứng khoán tăng tốt nhất thế giới trong năm 2018. PFTS Index - chỉ số chứng khoán của Sàn giao dịch chứng khoán Ukraine - đã tăng 80,39% trong năm, đánh bại tất cả các thị trường khác trên thế giới.

Đứng sau Ukraine là Macedonia. Chỉ số chứng khoán của quốc gia này (The blue-chip MBI-10 Index) đã tăng hơn 30% trong năm 2018 sau những bước tiến mới về việc giải quyết tranh chấp với Hy Lạp.

Cộng hòa Macedonia tách ra khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991 nhưng từ đó bị Hy Lạp phản đối vì có tên trùng với một tỉnh phía bắc của nước này. Macedonia và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận lịch sử vào tháng 6/2018 để giải quyết mâu thuẫn về tên quốc gia kéo dài gần ba thập niên. Nước này sẽ chính thức đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia sau khi trưng cầu dân ý và được quốc hội thông qua để sửa đổi hiến pháp.

Đứng thứ ba trong danh sách những thị trường tốt nhất thế giới là Qatar, chỉ số chứng khoán của thị trường này tăng hơn 20% trong năm 2018.

Qatar mới đây đã rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Quyết định này được đưa ra sau khi Qatar lên kế hoạch chiến lược dài hạn và xem xét các biện pháp có thể giúp họ cải thiện vị thế trên toàn cầu. Qatar là một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong OPEC, nhưng lại là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Hai vị trí cuối trong nhóm 5 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất thế giới thuộc về Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Saudi Arabia. Chỉ số chứng khoán hai thị trường này tăng lần lượt 11,75% và 8,77% trong năm 2018. 

Ở chiều ngược lại, Venezuela là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất. IBVC-Index của quốc gia này đã giảm hơn 94% trong năm 2018, đứng đầu thế giới khi đất nước Nam Mỹ này đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng kinh tế. 

Quốc gia thừa dầu mỏ nhưng thiếu tiền mặt này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát cuối năm nay lên tới 1,37 triệu phần trăm. Tốc độ này cao hơn so với một triệu phần trăm hồi tháng 7 và gấp hàng trăm lần ước tính hồi tháng 1. Năm tới, lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này có thể còn lên 10 triệu phần trăm.

Một quốc gia Nam Mỹ khác cũng nằm trong danh sách những thị trường giảm mạnh nhất thế giới là Argentina. Chỉ số chứng khoán của thị trường này giảm hơn 50% khi nền kinh tế đối mặt với cuộc khủng hoảng mới. 

Các thị trường mới nổi, như Argentina, đã bị tổn thương bởi việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều này đã thúc đẩy giá trị của đồng USD mạnh hơn, khiến cho việc trả nợ bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ. Chiến tranh thương mại cũng là một yếu tố tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, trong khi những mặt hàng này là nguồn thu quan trọng với các thị trường mới nổi.

Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đứng hai vị trí tiếp theo với mức giảm lần lượt là 43,35% và 28,64%. 

Chỉ số Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải đã mất hơn 1/4 giá trị trong năm 2018 do những lo ngại về cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự chậm lại của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp tình trạng tương tự Argentina khi đồng lira bị mất giá mạnh so với USD. Bên cạnh đó, sự bất đồng quan điểm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Ngân hàng Trung ương cũng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Chuyên đề