Những kỷ lục đấu giá nổi bật năm 2016

(BĐT) - Năm 2016 vừa qua, nhiều kỷ lục đấu giá đã được thiết lập với những con số ấn tượng, vượt ngoài dự kiến của các tổ chức bán đấu giá.
Những kỷ lục đấu giá nổi bật năm 2016

Bản nhạc viết tay của Gustav Mahler - 5,6 triệu USD

Bản nhạc viết tay của nhà soạn nhạc người Áo Gustav Mahler (1860 - 1911) đã được các chuyên gia trong lĩnh vực bản thảo nhận định là “bản nhạc vĩ đại nhất” từng được đem ra đấu giá trên thị trường trong vài thập kỷ trở lại đây.

Bản nhạc này là Bản giao hưởng số 2 của Gustav Mahler, với chiều dài 232 trang và cần tới một dàn nhạc giao hưởng 90 thành viên, biểu diễn trong 90 phút. Trong sự nghiệp soạn nhạc của Gustav Mahler, đây được xem là tác phẩm vĩ đại nhất của ông.

Khi được đem ra đấu giá, bản nhạc này vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn, chưa trải qua bất cứ hoạt động phục chế nào, từng trang vẫn còn tách rời và còn bao gồm cả những tẩy xóa, chỉnh sửa và chú thích do chính tay nhà soạn nhạc người Áo thực hiện. Buổi đấu giá được tổ chức tại London (Anh) vào cuối tháng 11 năm 2016 và bản nhạc đã được bán với mức giá xác lập kỷ lục thế giới mới - 5,6 triệu USD.

Viên kim cương xanh “Ohppenheimer” - 58 triệu USD

Viên kim cương xanh mang tên “Ohppenheimer” - đồ trang sức quý hàng đầu của nhà đấu giá Christie trong cuộc bán đấu giá hồi tháng 5 tại Geneva (Thụy Sỹ), đã trở thành viên đá đắt nhất thế giới hiện tại.

Sau hơn 20 phút đấu giá và một cuộc “tranh giành” giữa hai người mua giấu tên, viên kim cương đặc biệt, nặng 14,62 carat và được gắn trên một chiếc nhẫn, cuối cùng đã được bán với mức giá 57,54 triệu USD.

Viên kim cương xanh này thuộc bộ sưu tập của ông trùm kim cương người Anh là Philip Oppenheimer (1911 - 1995), người từng kiểm soát thị trường kim cương toàn cầu qua công ty sản xuất kim cương hàng đầu thế giới De Beers.

Tuyệt tác “Oppenheimer” đến từ một khu mỏ ở Nam Phi, nơi viên kim cương thô lớn nhất thế giới có tên “Cullinan” từng được phát hiện vào năm 1905.

Chiếc bình sứ từ thời Minh (Trung Quốc) - 20,4 triệu USD

Chiếc bình cổ họa tiết rồng này có niên đại gần 600 năm, được làm ra từ thời Hoàng đế Minh Tuyên Tông (Trung Quốc). Theo giới sành về cổ vật, thời trị vì của vị vua này (1426 - 1435) là giai đoạn đỉnh cao của nghề sản xuất gốm sứ Trung Quốc. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của triều đình, kết hợp với kỹ thuật thủ công tinh xảo và cảm hứng nghệ thuật phong phú, các nghệ nhân dưới thời Minh Tuyên Tông đã làm ra những sản phẩm gốm ấn tượng nhất trong lịch sử nghề gốm sứ của nước này.

Chiếc bình có tên “Rồng”, được đem ra đấu giá nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập nhà bán đấu giá nổi tiếng Christie, nằm trong tour đấu giá ở Hồng Kông hồi tháng 5 năm 2016 và được mua với giá 20,4 triệu USD - cao gấp đôi so với dự tính ban đầu.

Bức tranh “Grainstack” của Claude Monet - 81,4 triệu USD

14 phút - đó là tổng thời gian đấu giá bức tranh “Grainstack” (hay “Meule”) của danh họa nổi tiếng người Pháp Claude Monet, để đi đến mức giá cuối cùng là 81,4 triệu USD và trở thành bức tranh đắt giá nhất của Monet hiện tại.

Tác phẩm này ra đời năm 1891, nằm trong series cùng tên của Monet. Bức tranh được nhà Christie đưa ra đấu giá tại New York hồi tháng 11 năm 2016, ban đầu được ước tính khoảng 45 triệu USD. Mức giá cuối cùng đã vượt ngoài dự tính. “Grainstack” được bán cho Margot Rosenberg, Giám đốc trong bộ phận tư vấn khách hàng của nhà Christie, thay mặt cho một người mua giấu tên trên điện thoại.

“Bức tranh này rất khác biệt. Ánh hoàng hôn trong đó có nhiều sắc đỏ thẫm hơn. Điều đó rất độc đáo”, David Benrimon, một chủ đại lý tranh Monet tại New York cho biết.

Kỷ lục trước đó trong các tác phẩm của Monet thuộc về bức tranh “Le Bassin Aux Nympheas”, được trả giá 80,4 triệu USD năm 2008.

Chiếc xe gắn với nhiều tay đua huyền thoại - 35,7 triệu USD

Chiếc Ferrari 335 Spider Scaglietti đã được bán đấu giá bởi Artcurial với giá lên đến 35,7 triệu USD tại phiên đấu giá diễn ra hồi tháng 2 năm 2016 ở Paris.

Chiếc xe này từng được lái bởi tay đua huyền thoại người Anh Mike Hawthorn tại Le Mans (giải đua xe thể thao danh tiếng của Pháp). Sau đó, nó được bán cho Luigi Chinetti, tay đua người Mỹ gốc Ý từng vô địch 12 chặng liên tiếp tại Le Mans. Với sự điều khiển của những tay đua F1 xuất sắc khi đó là Stirling Moss và Masten Gregory, chiếc 335S này còn vinh dự chiến thắng tại chặng Grand Prix trên đất Cuba năm 1958.

Ferrari 335S được sở hữu một số thành tựu đáng kinh ngạc, bao gồm thiết lập tốc độ trung bình đạt đến 124 mph (tương đương gần 200 km/h) tại giải Le Mans. Vào năm 1957 nó đã đạt tốc độ đỉnh lên đến 300 km/h, con số thật hiếm gặp ở những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.

Chiếc váy “đánh dấu khoảnh khắc lịch sử” của Marilyn Monroe - 4,8 triệu USD

Chiếc váy của huyền thoại điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe đã được một chuỗi bảo tàng có tên Ripley’s Believe It Or Not mua lại với giá 4,8 triệu USD tại cuộc đấu giá do nhà đấu giá Julien tổ chức ở thành phố Los Angeles, Mỹ.

Đây chính là mức giá kỷ lục của một bộ váy từng được bán đấu giá. Kỷ lục trước đó thuộc về một chiếc váy Marilyn Monroe mặc trong phim The Seven Year Itch (1955) được bán với giá 4,6 triệu USD năm 2011.

Marilyn Monroe đã diện chiếc váy này trong khi hát ca khúc Happy Birthday để mừng sinh nhật lần thứ 45 của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại quảng trường Madison Square Gardens vào năm 1962.

Giám đốc điều hành của nhà Julien, Martin Nolan, nhấn mạnh ý nghĩa của bộ váy: “Chiếc váy này, câu chuyện này chính là đại diện cho những khoảnh khắc lịch sử quan trọng”.

Chiếc đồng hồ của huyền thoại John Arnold - 722 nghìn USD

Một kỷ lục thế giới đã được thiết lập với mức giá cao nhất được đưa ra cho một chiếc đồng hồ được chế tác năm 1781 bởi huyền thoại chế tác đồng hồ của nước Anh - John Arnold.

Chiếc đồng hồ John Arnold 1781 này là một chiếc đồng hồ bỏ túi với phần vỏ lớn làm từ bạc, được đánh số 23 trong tổng số 78 chiếc, là chiếc duy nhất của Arnold chưa từng được khôi phục và sửa chữa cũng như thay thế các bộ phận ban đầu.

Trước đó, người ta ước tính rằng chiếc đồng hồ có thể thu về 195 nghìn USD, nhưng con số cuối cùng là 722.318 USD đã vượt xa cả sự mong đợi. Đây là mặt hàng đứng đầu tại sàn đấu giá Sotheby London hồi tháng 7 năm 2016. Cuộc đấu giá được tổ chức để tưởng nhớ đến những người thợ đồng hồ ở thế kỷ 18 - kỷ nguyên vàng của ngành chế tác đồng hồ Anh quốc.             

Chuyên đề