Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới

(BĐT) - Các công ty lớn nhất trên toàn cầu ngày càng trở nên lớn hơn. Global Finance đã so sánh 2 bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất theo quy mô và giá trị vốn hoá để tạo ra cái nhìn bao quát nhất về “những gã khổng lồ” trên bản đồ thế giới.

Theo đó, 5 công ty lớn nhất thế giới dựa trên nhiều yếu tố kết hợp (vốn hoá, ý tưởng, kỳ vọng, thương hiệu…) chính là những doanh nghiệp đã từng bước thay đổi thế giới trong thập kỷ qua: Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook.

Microsoft - gã khổng lồ nâng đỡ

Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới ảnh 1

Có 2 khao khát đối với mỗi doanh nghiệp trên toàn cầu: tạo ra lợi nhuận và có tác động tới xã hội. Microsoft không phải ngoại lệ. Dưới dự dẫn dắt của CEO đầu tiên là Bill Gates, cho tới Steve Ballmer và hiện tại là Satya Nadella, Microsoft đang chứng tỏ sự hiện diện của mình mang tới ý nghĩa to lớn, với những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cũng như cải thiện cuộc sống của con người.

Cách đây 4 thập kỷ, Bill Gate và Paul Allen đặt mục tiêu tham vọng: giúp máy tính cá nhân xuất hiện tại mọi gia đình. Cho tới nay, hàng tỷ máy tính đã được sử dụng phục vụ kinh doanh và nhu cầu cá nhân trên toàn cầu. Thực tế, vào thời điểm bắt đầu, ý tưởng về những chiếc máy tính dành cho mỗi người đã hứng chịu không ít lời mỉa mai. Nhưng tới nay, Microsoft đã định nghĩa lại khái niệm về máy tính, cách chúng ta sử dụng chúng và những lợi ích mà thiết bị này có thể mang lại.

Năm 1980, với việc bắt tay cùng IBM, Microsoft đã tạo nên hệ điều hành PC-DOS và không ngừng cải tiến cho tới ngày nay. Hiện tại, hệ điều hành Windows của hãng nắm vị thế thống trị đối với máy tính cá nhân và doanh nghiệp trên toàn cầu. Microsoft từ một công ty với 30 nhân viên trở thành tập đoàn đa quốc gia, sở hữu 124.000 lao động và tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Không riêng máy tính, thế giới của chúng ta đã thực sự biến đổi khi Microsoft cũng là doanh nghiệp sáng tạo nên TV thông minh, các thiết bị di động thông minh, máy tính bảng và thay đổi ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Chưa kể, vào thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi Apple cạn tiền và cần 150 triệu USD để “sinh tồn”, Microsoft chính là cánh tay giúp đỡ. Nếu Bill Gates từ chối lời đề nghị từ Apple vào thời điểm đó, chúng ta không thể chứng kiến sự vươn lên của một “gã khổng lồ” như Apple hiện nay.

Đáng chú ý, Microsoft mang lại rất nhiều tiền cho Bill Gates và từ năm 2000 cho tới nay, vị doanh nhân này đã sử dụng tài sản của mình cho các hoạt động thiện nguyện. Quỹ Bill & Melinda Gates là một trong những quỹ tư nhân lớn nhất toàn cầu, đã chi hàng tỷ USD cho các chương trình giáo dục và y tế.

Facebook - gã khổng lồ quyền năng

Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới ảnh 2

Thật khó để tưởng tượng cuộc sống của chúng ta hiện nay mà không có Facebook. Nhưng cách đây 15 năm, Facebook thậm chí chưa hề tồn tại. Hiện tại, công ty của Marc Zuckerberg đã sở hữu hàng tỷ người dùng tên toàn cầu và là gã khổng lồ mạng xã hội gần như không có đối thủ với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống xã hội, hoạt động kinh doanh, cũng như truyền thông.

Thực tế, Facebook tạo ra và định nghĩa lại hàng loạt động từ: từ kết bạn cho tới like, share, newfeeds… Mạng xã hội này có sức kết nối rộng lớn, không giới hạn, giúp con người vượt ra ngoài nhiều giới hạn, đồng thời thay đổi cách thức thể hiện bản thân, giao tiếp xã hội.

Cũng nhờ yếu tố này, Facebook tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn cầu, mà không phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chính mình. Mạng xã hội này đã trở thành một nền tảng thương mại điện tử khổng lồ với cách thức phát triển dựa trên doanh thu quảng cáo. Nhiều lĩnh vực dựa vào Facebook để sinh sống, từ đó đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với hoạt động marketing, đánh giá thị trường, kinh doanh và công nghệ…

Đáng chú ý, Facebook đang trở thành gã khổng lồ “tạo ra tin tức, xoá bỏ tin tức và quyết định cái gì là tin tức”. Hiện tại, gần 71% người trong độ tuổi 18 - 24 coi Internet là nguồn cung cấp thông tin chính thức và đa phần xuất phát từ mạng xã hội, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Đáng chú ý, khoảng 1/3 người dùng sử dụng Facebook để đăng tải các nội dung liên quan tới chính trị và chính phủ.

Điều này khiến Facebook sở hữu tầm ảnh hưởng lớn tới đám đông và không ít lần biến thành công cụ để tạo nên những cuộc cách mạng theo đúng nghĩa đen. Sức mạnh này có thể sử dụng như một vũ khí hữu ích, nhưng đồng thời cũng tạo nên khả năng “huỷ diệt” với nhiều rủi ro đe dọa an ninh xã hội.

Google - gã khổng lồ kết nối

Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới ảnh 3

Kể từ khi được thành lập năm 1998 tới nay, Google cùng công ty mẹ hiện nay là Alphabet đã phát triển mọi lĩnh vực đời sống của con người, tạo nên những trải nghiệm và phong cách sống khó lòng đảo ngược. Hiện tại, từ việc đọc tin tức trên thiết bị di động cho tới mua sắm online…, tất cả đều không thể xảy ra nếu thiếu Internet, hay gần gũi hơn là nếu thiếu Google.

Thực tế, mọi nền tảng kinh doanh từ nhỏ cho tới lớn trên Internet đều phải dựa vào thuật toán của Google. Gã khổng lồ này xuất hiện và gắn bó mật thiết với mọi hoạt động: tìm kiếm, giao tiếp, mua sắm, du lịch, giải trí, dịch vụ tài chính, thiết lập mối quan hệ, chăm sóc sức khoẻ, marketing, lao động… Những sản phẩm như trang tìm kiếm Google, gmail, Youtube, hệ điều hành Android, Google Docs, Maps, Analytics… định hình nên cuộc sống cá nhân và công việc của hàng tỷ người dùng Internet toàn cầu. Theo đó, nếu một thứ không xuất hiện trên Google, nó không “tồn tại” trong thế giới được kết nối này.

Google là bệ đỡ tạo nên giá trị của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Facebook, Twitter, là mảnh đất để thương mại điện tử tồn tại, tác động tới nguồn tin chúng ta có thể tiếp cận… Với vị trí trung tâm này, dễ hiểu lý do Google góp mặt trong câu lạc bộ vốn hoá nghìn tỷ USD và đóng vai trò quan trọng bậc nhất với nền kinh tế số hiện tại.

Amazon - gã khổng lồ biến hoá

Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới ảnh 4

Sẽ không có thương mại điện tử nếu thiếu vắng Amazon. Nguyên nhân không chỉ bởi đây là công ty đã thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta mua – bán, giao dịch hàng hoá, mà còn bởi những sáng tạo dẫn đầu tại thị trường thương mại điện tử.

Theo số liệu khảo sát từ Pew, năm 2000, chỉ 22% người dân Mỹ từng mua sắm qua mạng. Tới nay, con số này ít nhất là 80%. Sự chuyển dịch này tác động tới cuộc sống sinh hoạt, thị trường lao động, lẫn cách thức nền kinh tế vận hành.

Nếu như giai đoạn đầu, Amazon phát triển nhờ việc tiến hành các giao dịch tại thị trường sách – xuất bản thì sau đó, Công ty đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sách điện tử, ngành công nghiệp xuất bản điện tử. Sự xuất hiện của Kindle kể từ năm 2007 với giá 399 USD đã mở ra ngành công nghiệp mới và sản phẩm này nhanh chóng giữ vị trí thống trị trên thị trường. Tiếp theo đó, Amazon tạo nên nền tảng xuất bản điện tử Kindle Direct Publishing cho phép các tác giả tự xuất bản và bán sản phẩm của mình trên Amazon, trước khi tự thiết lập nhà xuất bản của riêng mình. Năm 2017, Amazon chiếm hơn 83% sản phẩm sách điện tử được bán tại Mỹ. Tiếp sau ngành xuất bản, Amazon tạo nên cuộc cách mạng tại lĩnh vực nội dung nghe nhìn với Amazon Prime, Prime Video… và các nền tảng nội dung khác.

Thực tế, Amazon đã thay đổi cách thức con người chi tiền, mua sắm và sử dụng Internet trên toàn cầu; nhào nặn lại cách thức các ngành công nghiệp kho bãi, vận chuyển hàng hoá, thương mại… vận hành.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực máy tính đám mây (cloud computing); trí tuệ nhân tạo (AI); streaming, nhà thông minh… đều đã có những cải tiến vượt bậc nhờ sự đầu tư xông xáo của CEO Jeff Bezos.

Apple - gã khổng lồ cải tiến

Những gã khổng lồ làm thay đổi thế giới ảnh 5

Apple không phải thương hiệu được ưa chuộng bậc nhất trên toàn cầu, nhưng không có gì phải tranh cãi khi nhận định, đây là một trong những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống hiện đại, là người tiên phong trong việc biến thiết bị di động thông minh thành một sản phẩm đáp ứng những nhu cầu hàng ngày một cách thuận tiện nhất. Sản phẩm của Apple có thể đắt đỏ, nhưng nó thường thiết lập nên xu hướng mới, thiết bị mới, ý tưởng mới…

10 năm vừa qua, Apple đã liên tục khám phá và sáng tạo, tạo nên những xung lực làm thay đổi thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, Apple đã bán ra những chiếc iPhone, với vốn hoá hơn 1.000 tỷ USD, tạo việc làm cho 137.000 lao động.

Cuộc sống của chúng ta đã thay đổi kể từ khi iPhone xuất hiện và có khả năng thay thế rất nhiều thiết bị khác: lịch, ghi chú, đồng hồ, máy nghe nhạc, máy chụp ảnh, bản đồ, định vị GPS… Một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sức mạnh thay đổi của iPhone là ngành công nghiệp máy ảnh: có khoảng 109 triệu chiếc máy ảnh bỏ túi được bán ra năm 2010, theo số liệu từ Hiệp hội Camera và sản phẩm hình ảnh. Nhưng tới năm 2018, con số này chỉ còn 9 triệu chiếc.

Bên cạnh việc “phá huỷ” không ít ngành công nghiệp, iPhone cũng được xem là một trong những yếu tố hình thành nhiều ngành công nghiệp mới. Chẳng hạn, các dịch vụ chia sẻ xe như Lyft và Uber, hiện có giá trị lên tới hơn 60 tỷ USD...

Chưa kể, iPhone cùng với cửa hàng ứng dụng (App Store) đã tạo ra một ngành công nghiệp mới. Theo số liệu mới nhất công bố đầu năm 2019, các nhà phát triển ứng dụng trên App Store đã tạo nên doanh thu 120 tỷ USD kể từ khi nền tảng này ra mắt năm 2008 và hơn 30 tỷ USD riêng trong năm 2018.

Đáng chú ý, mặc dù ý tưởng cốt lõi của iPhone không có nhiều thay đổi trong thập kỷ qua, nhưng các tiêu chuẩn của nó không ngừng nâng cao để ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chính điều này đặt ra đòi hỏi cải thiện đối với cả hệ thống phân phối và tạo nên những tiêu chuẩn mới trên toàn cầu. Kể từ chiếc iPhone 3G cho tới iPhone 11 Pro, Apple đã góp phần định hình lại chuỗi cung ứng chip, pin, màn hình, camera… Năm 2017, Apple cho biết, hãng đã tạo ra thêm 4,8 triệu việc làm cho các nhà sản xuất và cung cấp tại riêng Trung Quốc.

Tương tự iPhone, các sản phẩm máy tính, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, TV thông minh… của Apple đều là những thiết bị tạo lập xu hướng và thiết lập chuẩn mực trong cuộc sống hiện đại.

Chuyên đề