Những bài học về thành công được đúc kết trong thư gửi tới các cổ đông của Warren Buffett

(BĐT) - Warren Buffett tiếp quản Berkshire Hathaway vào năm 1965, khi công ty này mới chỉ là một nhà máy dệt đang gặp khó khăn ở New Bedford, Massachusetts. Ngày nay, Berkshire Hathaway đã trở thành tập đoàn đầu tư với vốn hóa thị trường hơn 500 tỷ USD, và vị Chủ tịch kiêm CEO Warren Buffett cũng sở hữu khối tài sản 87 tỷ USD, theo Bloomberg’s Billionaire Index.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hàng năm, ông Buffett đều viết một lá thư gửi tới các cổ đông của mình. Dưới đây là 5 lời khuyên quý báu về thành công được đúc kết từ những lá thư này. 

Luôn nhanh nhẹn

“Chúng ta có thể chỉ cần 5 người như một đội bóng rổ để thành lập đội ngũ lãnh đạo công ty”, ông Buffett viết trong thư gửi tới cổ đông năm 1979.

Mặc dù phương pháp quản lý này “có thể thi thoảng tạo ra sai lầm lớn”, nhưng điều quan trọng là “công ty sẽ giảm được chi phí và nhanh chóng đưa ra các quyết định”, ông cho hay. Bởi theo ông, tất cả mọi người đều có rất nhiều việc phải làm và cần được hoàn thành.

“Quan trọng nhất, nó cho phép chúng ta có thể thu hút và giữ chân nhân tài, những người thấy rằng làm việc cho Berkshire cũng giống như làm việc cho chính bản thân họ. Chúng ta đã đặt nhiều niềm tin vào họ, và những gì họ làm được đã vượt xa sự tin tưởng đó”, ông Buffett nhận xét. 

Bằng cấp không phải là tất cả

Trong thư gửi tới cổ đông năm 1988, ông Buffett đã giành lời khen tới các nhà quản lý điều hành của Berkshire Hathaway và cam kết sẽ luôn đặt kinh nghiệm lên trên bằng cấp.

“Chúng tôi đã có những trải nghiệm không mấy tuyệt vời với các thạc sĩ kinh doanh mới ra trường. Bảng điểm của các ứng cử viên luôn xuất sắc và họ biết cần phải nói gì. Tuy nhiên, họ thiếu sự cam kết gắn bó đối với công ty và kiến thức kinh doanh nền tảng. Đúng là tre già khó uốn”, ông Buffett viết trong thư. 

Ảnh Internet

Đừng làm vì tiền

Có rất nhiều cách để Berkshire Hathaway kiến được nhiều tiền hơn, nhưng tiền không phải là tất cả, ông Buffett viết trong thư gửi tới cổ đông năm 1989.

“Chúng ta có thể kiếm được lợi nhuận sau thuế khổng lồ bằng cách chuyển đổi thường xuyên khoản đầu tư này sang khoản đầu tư khác”, ông Buffett nói. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã dạy cho ông và cộng sự lâu năm Charlie Munger rằng “chúng tôi thà ở yên một chỗ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lợi nhuận sẽ thấp hơn một chút”.

“Lý do của chúng tôi rất đơn giản, chúng tôi đã tạo dựng được những mối quan hệ kinh doanh rất hiếm có và thú vị đến nỗi chúng tôi muốn giữ lại tất cả những gì mình đã phát triển”, ông Buffett cho biết. Ông tin rằng mình sẽ đạt được những “kết quả tốt” ngay cả khi đó không phải là “tối ưu”.

“Cân nhắc điều đó, chúng tôi không muốn từ bỏ quãng thời gian làm việc cùng những con người thú vị và đáng khâm phục mà mình đã biết lâu nay chỉ để chạy theo người khác –người thậm chí chẳng đạt được những phẩm chất trung bình. Điều này chẳng khác nào kết hôn vì tiền cả - và đây chính là sai lầm trong hầu hết tình huống và không một người giàu tỉnh táo nào lại làm điều này,” Buffett viết. 

Tránh voi chả xấu mặt nào

Bạn không cần phải giải quyết vấn đề nan giải nếu bạn có thể tránh được nó ngay từ đầu.

“Sau 25 năm kinh doanh, Charlie và tôi đã không học cách giải quyết những vấn đề khó khăn trên thương trường. Những gì chúng tôi học được là tránh chúng ra,” Buffett viết trong bức thư gửi cổ đông năm 1989. “Ở một mức độ nào đó, chúng tôi có được thành công nhờ tập trung xác định đâu là thách thức đơn giản mình có thể vượt qua, chứ không phải vì chúng tôi có khả năng đạp đổ những rào cản lớn.”

Dù điều này không phải lúc nào cũng đúng trên mọi khía cạnh khác của cuộc sống, nhưng trong kinh doanh, ông Buffett vẫn tin rằng việc “theo đuổi cái dễ thay vì đâm đầu vào cái khó” “sẽ đem đến rất nhiều lợi ích hơn”.

“Nhìn chung, tránh voi chả xấu mặt nào,” ông nhận xét. 

Ảnh Internet

Bạn sẽ không có được thương vụ tối với người xấu

“Sau một vài sai lầm, tôi đã nhận ra rằng chỉ nên làm ăn với những người mà tôi quý, tin trưởng và ngưỡng mộ”, ông Buffett viết trong thư gửi tới cổ đông năm 1989.

"Như tôi đã lưu ý trước đây, nguyên tắc này không đảm bảo mang lại thành công: Một nhà máy dệt hạng 2 hay một công ty bách hoá sẽ không ăn nên làm ra chỉ bởi họ có những quản lý tốt. Nhưng một người chủ hay nhà đầu tư của một công ty sẽ thành công nếu có thể hợp tác cùng với những người như vậy trong kinh doanh. Chúng tôi cũng không muốn làm ăn với những lãnh đạo thiếu hụt các phẩm chất cần có, bất kể triển vọng kinh doanh của họ có hấp dẫn đến đâu. Chúng tôi chưa bao giờ thành công khi làm việc cùng kẻ xấu.", Buffett viết.

Chuyên đề