Nhiều quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD?

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" và bảo hộ thương mại, ngày càng nhiều quốc gia đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào đồng USD.
Nhiều quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhiều quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Thậm chí, một số người cho rằng mục tiêu chính của các động thái này không chỉ để giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD mà còn nhằm "hạ bệ" vai trò chi phối của đồng bạc xanh trên toàn cầu.

Làn sóng “xa lánh” đồng USD

Theo Hiệp hội Viễn thông liên Ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT), khoảng 50% các khoản thanh toán xuyên biên giới của các nước trên toàn cầu được thực hiện bằng đồng USD, lớn hơn nhiều so với tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ so với GDP thế giới. 

Sau khi Washington loan báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên Iran và dọa sẽ trừng phạt các công ty nước ngoài kinh doanh với quốc gia Hồi giáo này, Đức, Pháp và Anh thông báo về kế hoạch ngầm giúp các doanh nghiệp châu Âu “né đòn” bằng cách sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong giao dịch với Tehran.

Nếu thành công, các công ty châu Âu có thể sẽ thực hiện giao dịch thông qua đồng euro thay vì đồng USD, qua đó giải phóng họ khỏi sự lệ thuộc vào các quy định hay ngân hàng Mỹ. Và như vậy rõ ràng sẽ khó để Washington có thể theo dõi hoạt động giao dịch giữa Iran với các công ty nước ngoài và áp đặt các hình phạt. 

Nếu Iran nhận thanh toán các hóa đơn xuất khẩu dầu bằng euro chứ không phải là USD, quốc gia này sẽ sử dụng chính những đồng euro đó để chi trả cho hàng hóa nhập khẩu. Một khi nguồn lợi nhuận của các công ty hay doanh nghiệp bằng đồng euro thay cho USD, thì các ngân hàng trung ương sẽ có ít lý do để nắm giữ nhiều đồng USD nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối và ổn định đồng nội tệ so với đồng USD. Nếu kịch bản này xảy ra, đồng USD sẽ không thể duy trì vị thế như trước. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuyển sang thanh toán các hóa đơn kinh tế với Iran bằng đồng nội tệ của nước này. Giới quan sát cho rằng Nga có thể sẽ sớm làm như vậy. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây cũng cho biết Moskva đang xem xét khả năng cho phép các nước thanh toán hóa đơn dầu mỏ bằng đồng tiền của quốc gia thực hiện giao dịch, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, khi bỏ qua việc dùng đồng USD của Mỹ trong thanh toán. 

Ngoài ra, các nguồn tin thân cận với Chính phủ Ấn Độ hồi tháng đầu tháng 10 cũng cho biết đang cân nhắc thực hiện cơ chế thanh toán bằng đồng ruble (rúp) với Nga cho mặt hàng dầu thô và kim cương.

Đây là một phần của một loạt các biện pháp nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của New Dehli (đã tăng lên tới hơn 80 tỷ USD trong 5 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện hành), cũng như hạn chế sự phụ thuộc vào đồng USD. 

Trước đó hồi tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã tiến hành mở hợp đồng giao dịch dầu kỳ hạn bằng đồng nhân dân tệ (NDT), đồng tiền quan trọng thứ ba trong giỏ các đồng tiền quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Và giới chuyên gia đánh giá nỗ lực này thành công bước đầu, với đồng NDT hoàn toàn có thể đẩy đồng bạc xanh ra khỏi một trong những thị trường tiêu thụ dầu mỏ đang phát triển nhanh trên thế giới. 

Đồng USD có duy trì được vị thế? 

Những nỗ lực để thay thế dần đồng USD đã được các quốc gia cố thực hiện nhiều lần trong quá khứ nhưng chưa làm thay đổi tình hình được gì nhiều. 70% các giao dịch thương mại thế giới vẫn được thực hiện bằng đồng USD, 20% bằng euro, phần còn lại được chia sẻ bởi các đồng tiền châu Á, nhất là đồng NDT của Trung Quốc. 

Hiện tại, vị thế của đồng USD gần như chưa thể “lung lay”. Số liệu của Bank of International Settlements (Ngân hàng thanh toán quốc tế) cho thấy giá trị khối lượng giao dịch hàng ngày của đồng tiền này lên tới 5.100 tỷ USD, với chín trong số 10 giao dịch ngoại tệ được thực hiện bằng đồng USD.

Khoảng 60% các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều có đồng nội tệ gằn liền với đồng USD. Và 2/3 tổng dự trữ ngoại tệ mà ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới nắm giữ là bằng đồng USD. 

Đồng USD cũng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường dầu mỏ và nguyên liệu thô. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy và đưa đồng NDT trở thành một đồng tiền tiêu chuẩn trên thị trường năng lượng vẫn còn lâu mới có thể thành công. 

Tính từ đầu năm tới nay nay, đồng nội tệ Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 1,6% các khoản thanh toán quốc tế và cả trong nước. Khi tính đến vai trò là đồng tiền dự trữ, NDT cũng chỉ chiếm 1,2% thị phần trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo nhà kinh tế học Benn Steil thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn phi chính phủ của Mỹ, thị trường trái phiếu của Trung Quốc quá nhỏ để có thể hỗ trợ một đồng NDT thực sự có sức ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. 

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia khác chưa được giải quyết, cùng với việc Tổng thống Trump muốn một đồng USD mạnh hơn, một số nhà phân tích tin rằng các nước đang tìm cách khai thác cơ hội do tình trạng bất ổn địa chính trị hiện tại đem đến, thông qua các động thái phi USD hóa. 

Đương nhiên, những nỗ lực nêu trên hoàn toàn có thể là phản ứng đối với việc Washington liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt. Ông Kenneth Rogoff, giáo sư tại Đại học Harvard và là nhà cựu kinh tế trưởng của IMF, giải thích: “Mỹ đã mạnh tay sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, tất nhiên các nước như Nga và Iran sẽ làm những gì họ có thể để tránh xa đồng USD.” 

Điều này không có nghĩa là các ngân hàng và công ty nước ngoài sẽ tránh sử dụng đồng USD hoàn toàn trong tương lai. Thị trường tài chính Mỹ vẫn rất lớn và tính thanh khoản khá cao, nhiều khả năng tình hình vẫn sẽ như vậy. Ít nhất, các công ty nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục sử dụng đồng USD trong các giao dịch với chính nước Mỹ. 

Chuyên đề