Nhật Bản lo ngại Trung Quốc tìm cách đặt tên các thực thể gần vùng tranh chấp

Nhật Bản cho hay nước này đang “theo dõi rất chặt chẽ” các hành động của phái đoàn Trung Quốc tại một tổ chức hàng hải quốc tế, sau khi tổ chức này chấp nhận tên tiếng Trung cho một số thực thể ngầm mà Tokyo trước đó đã khảo sát và đặt tên và gần vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Một tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc xuất hiện ở Hoa Đông (Ảnh: AFP)
Một tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc xuất hiện ở Hoa Đông (Ảnh: AFP)

Thời báo Hoa nam Buổi sáng ngày 7/1 đưa tinmột quan chức tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo cho biết các đơn đề nghị đặt tên, ở thời điểm hiện tại, không “ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia hàng hải xung quanh” nhưng một số quan chức miêu tả động thái của Bắc Kinh là “gây hấn” và cáo buộc Trung Quốc “tìm cách kiểm soát lãnh thổ”.

Tiểu ủy ban về tên các thực thể dưới biển (SCUFN), vốn trực thuộc Tổ chức Thủy đạc Quốc tế và có trụ sở tại Monaco, đã nhận được 50 đơn đề nghị từ Cơ quan nhà nước Trung Quốc vào năm 2016 để đặt tên các thực thể dưới biển, trong đó có các rặng núi ngầm.

SCUFN đã công bố báo cáo thường niên vào ngày 21/12, trong đó cho biết 16 trong số các đơn đề nghị của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã được chấp nhận và 34 đơn không được chấp nhận. Báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin rằng tiểu ủy ban đã bác bỏ hầu hết các tên gọi vì “việc đặt tên chúng bằng tiếng Trung có thể tạo ra tranh chấp với các quốc gia ven biển”.

Trong số các đơn đề nghị bị từ chối có 8 thực thể gần khu vực sống núi Nam Kyushu-Palau, kéo dài xuống phía nam từ Okinotorishim, đảo ở cực nam Nhật Bản, tới đảo quốc Palau.

Ít nhất 2 trong số các điểm mà Trung Quốc tìm cách đặt tên nằm trong một khu vực mà Nhật Bản đã nộp đơn để tuyên bố chủ quyền tới ủy ban Liên hợp quốc chuyên xem xét đề nghị của các quốc gia nhằm tuyên bố lãnh thổ thềm lục địa.

Vào năm 2014, ủy ban đã hoãn đưa ra quyết định đối với đơn đề nghị của Tokyo cho khu vực, vốn bao trùm 252.000 km2 tới phía đông Philippines và giáp với vùng đặc quyền kinh tế của Palau. Sáu trong số các thực thể mà Trung Quốc đề nghị đặt tên dường như rơi vào trong vùng biển của Palau.

11 thực thể nằm trong yêu sách “đường chín đoạn”

Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã tìm cách đặt tên các thực thể nằm trong vùng biển quốc tế và do đó được tự do tiến hành các nghiên cứu như vậy. Tuy nhiên, Nhật Bản lo ngại về những gì được xem là một hình thức tuyên bố lãnh thổ trong khu vực và cũng lo ngại về việc Bắc Kinh không hợp tác và thậm chí không liên lạc với Nhật Bản về việc khảo sát khu vực.

Các thực thể gần vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trước đó đã được sát và có tên tiếng Nhật.

Trong khi đó, hãng tin Xinhua của Trung Quốc nói rằng Trung Quốc ý thức về cuộc cạnh tranh các lợi ích và tài nguyên dưới biển, nhưng việc đặt tên các thực thể là “cách thức thường thấy của các cường quốc biển thế giới”.

Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, trong 6 năm qua, Trung Quốc đã có 76 cái tên được công nhận, trong đó có 16 tên vào năm 2016.

Trong số 50 đề xuất của Trung Quốc vào năm nay, 11 thực thể nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh dùng để đơn phương đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông. Một tòa án phân xử quốc tế tại La Hay, Hà Lan đã tuyên bố “Đường chín đoạn” là vô giá trị hồi tháng 7, một tháng trước khi Trung Quốc đệ trình đặt tên.

Theo các quy định của SCUFN, việc đặt tên một thực thể không có nghĩa là cho phép bên đặt tên có bất kỳ quyền lợi gì đối với nó, vì bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đề nghị đặt tên một thực thể dưới biển trong vùng biển quốc tế. Nhưng các quy định cũng đề nghị các quốc gia khác công nhận một cái tên mà một quốc gia có chủ quyền đề xuất bên trong lãnh hải của nước này.

“Đặt tên các thực thể dưới biển... phản ánh quyền lợi tiềm tàng mà Trung Quốc có đối với các thực thể này”, Xinhua dẫn lời chuyên gia hàng hải Yang Suihua. 

Chuyên đề