Nghị sỹ Anh chỉ trích khuyến cáo của chính phủ với doanh nghiệp

Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Nghị viện Anh Nicky Morgan ngày 26/2 chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã đưa lời khuyên không rõ ràng đối với các doanh nghiệp Anh trong việc chuẩn bị cho tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Nghị viện Anh Nicky Morgan. (Nguồn: Guardian)
Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Nghị viện Anh Nicky Morgan. (Nguồn: Guardian)

Bà Morgan đưa ra ý kiến trên sau khi Chính phủ Anh, trong phản hồi về một báo cáo của Ủy ban trên, cho  rằng các doanh nghiệp cần cố gắng hiểu những thay đổi quy định sau Brexit sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ.

Theo nữ nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền này, khuyến cáo này của chính phủ là "bất thường" trong bối cảnh thông tin về tiến trình Brexit không rõ ràng.

Bà Morgan, người ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016, nhấn mạnh các doanh nghiệp khó có thể hiểu được những thay đổi nếu họ không nắm được chi tiết về tiến trình chuyển tiếp.

Điều này sẽ khiến các công ty rơi vào thế bị động và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất khi EU-Anh không thể nhất trí về mối quan hệ mới và sẽ dựa trên các cam kết của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Ông  Steve White, Giám đốc điều hành Hiệp hội môi giới bảo hiểm Anh, nhấn mạnh các doanh nghiệp cần hiểu rõ thời gian diễn ra giai đoạn chuyển tiếp và những sửa đổi trong quá trình này để chuẩn bị cho các kế hoạch phù hợp với những thay đổi này.

Ngày 21/2, Chính phủ Anh đã công bố dự thảo kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Theo đó, giai đoạn này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cần thiết để thực thi những tiến trình mới và triển khai các hệ thống mới, bao gồm cả việc hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại mới.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh cũng cam kết hạn chế để giai đoạn này kéo dài không quá 2 năm sau khi London chính thức không còn là thành viên EU từ ngày 29/3/2019.

Bên cạnh đó, phía Anh mong muốn tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ như ngân hàng, tài chính của EU sau khi không còn là thành viên của khối này, song phía Brussels không chấp nhận và khẳng định sẽ không có thỏa thuận trên nếu Anh không nhượng bộ về vấn đề tự do đi lại của người lao động EU tới Anh./.

Chuyên đề