Ngân sách 2018 của Hy Lạp chịu ảnh hưởng các biện pháp khắc khổ

Ngày 19/12, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách 2018, năm tài khóa cuối cùng vẫn chịu ảnh hưởng chi phối của các điều khoản khắt khe nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế và Liên minh châu Âu (EU), buộc nước này phải áp dụng hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong suốt 7 năm qua.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định lần đầu tiên sau 7 năm, chính phủ nước này có thể chắc chắn đây là bản dự thảo ngân sách cuối cùng phải tuân thủ theo các điều khoản cứu trợ.

Ông cũng nhấn mạnh Hy Lạp đã gây dựng lại lòng tin về khả năng quản lý công quỹ.

Theo luật ngân sách 2018, Bộ Tài chính Hy Lạp vẫn tiếp tục duy trì mức thuế cao nhằm đạt mục tiêu thặng dư ngân sách tương đương 3,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chưa tính các khoản trả nợ trong năm 2018 trên cơ sở dự báo nền kinh tế Hy Lạp sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5% GDP. Các mục tiêu tài khóa của Hy Lạp cũng đã nhận được sự đồng thuận từ các chủ nợ quốc tế.

Từ năm 2010, để tránh nguy cơ vỡ nợ, Hy Lạp đã phải viện đến các khoản cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo thỏa thuận, gói cứu trợ thứ 3 trị giá hơn 80 tỷ euro sẽ kết thúc vào tháng 8/2018, thời điểm Hy Lạp sẽ phải tự lực về tài chính.

Tuy nhiên, Đại diện cấp cao của EU về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho biết Athens sẽ vẫn nằm trong tầm giám sát tài khóa của EU cho tới khi quốc gia này hoàn trả 75% các món nợ liên minh.

Chính vì thế, Chính phủ Hy Lạp vẫn xây dựng các dự luật cắt giảm lương hưu và ưu đãi thuế, có hiệu lực vào năm 2019 và 2020 - là thời điểm Athens chấm dứt nhận cứu trợ.

Trong khi đó, phe đối lập ước tính phải tới năm 2022, những biện pháp khắc khổ mới được dỡ bỏ./.

Chuyên đề