Nền kinh tế Pháp thiệt hại 62 tỷ euro vì bất bình đẳng tiền lương

Một kết quả nghiên cứu được Quỹ Concorde của Pháp công bố ngày 30/10 nhận định rằng việc giải quyết được sự bất bình đẳng giới trong vấn đề tiền lương có thể làm nền kinh tế Pháp tăng trưởng tốt hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: pokernews)
Ảnh minh họa. (Nguồn: pokernews)

Khoảng cách tiền lương giữa lao động nam và nữ tại Pháp hiện ở mức 9,3%, thậm chí lên tới 26,3% trong giới quản lý.

Trung bình, nếu một giám đốc điều hành nam nhận mức lương tháng là 4.380 euro, thì nữ đồng nghiệp sẽ chỉ được trả 3.469 euro. Sự bất bình đẳng này đã làm cho nước Pháp chịu tổn thất đến 62 tỷ euro mỗi năm.

Quỹ Concorde nhấn mạnh rằng việc áp dụng nghiêm ngặt mức lương bình đẳng sẽ có những tác động tích cực cho nền kinh tế Pháp.

Nhờ tăng các khoản chịu thuế giá trị gia tăng, chịu thuế thu nhập và các đóng góp an sinh xã hội của người lao động và của giới chủ, nhà nước có thể thu lợi 33,7 tỷ euro/năm.

Quỹ Concorde cũng tính toán rằng việc loại bỏ bất bình đẳng tiền lương sẽ làm tăng 6,16 tỷ euro trong quỹ tiết kiệm, cũng như kích thích tiêu dùng tăng lên 21,98 tỷ euro.

Trong trường hợp áp dụng mức lương bằng nhau, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp sẽ được hưởng lợi khoảng 168,74 tỷ euro trong suốt thời gian 5 năm.

Theo Erwann Tison và Clélia Aucouturier, hai chuyên gia của Quỹ Concorde, Bộ Kinh tế và Tài chính có thể nghiên cứu các cải cách mới để giảm bớt gánh nặng thuế mà các công ty và các nhà đầu tư đang phải chịu.

Các chuyên gia cũng gợi ý một số cải cách có lợi như cắt giảm hoàn toàn thâm hụt của các chế độ hưu trí, an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp...

Khi nào mới có sự bình đẳng tiền lương? Câu hỏi này được đặt ra thường xuyên từ mười năm nay. Câu trả lời được đưa ra trong một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới: năm 2186, nghĩa là khoảng 170 năm nữa.

Tuy nhiên, sẽ là sai khi nói rằng chính phủ Pháp không quan tâm đến vấn đề này. Không dưới ba luật liên quan đến bình đẳng tiền lương đã được ban hành vào các năm 2006, 2012 và 2014.

Nhiều sáng kiến đã được thực hiện để giảm bớt sự bất bình đẳng này. Vào tháng 10/2016, tại Ireland, hàng ngàn phụ nữ đã ngừng làm việc vào đúng 14 giờ 38, giờ mà sau đó đến hết ngày làm việc theo thông lệ họ phải làm "tình nguyện" chứ không được trả lương như nam giới.

Tại Pháp, tổ chức Les Glorieuses đã kêu gọi nhân viên nữ dừng làm việc vào ngày 7/11/2016 vào đúng 16h34. Năm nay, tổ chức này cũng lên kế hoạch tương tự vào ngày 3/11 tới đây./.

Chuyên đề