Mỹ có thể hoãn hạ lãi suất vì giá dầu

Giá dầu thô tăng vọt sau vụ tấn công nhà máy tại Saudi Arabia có thể gây sức ép lên lạm phát, khiến Fed không vội hạ lãi tuần này.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong họp báo tháng 8. Ảnh:Reuters
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong họp báo tháng 8. Ảnh:Reuters

Hôm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Phần lớn giới phân tích dự báo cơ quan này sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 0,25%. Tuy nhiên, theo công cụ tính toán của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi cũng đang tăng lên, hiện là 34%. Tỷ lệ này cách đây một tuần là 5,4% và một tháng trước là 0%.

Nguyên nhân là một số xu hướng kinh tế tại Mỹ đang thay đổi, và giá dầu tăng vọt hôm qua sau vụ tấn công nhà máy ở Saudi Arabia gây sức ép lên lạm phát. Lạm phát tăng tốc sẽ khiến Fed nhiều khả năng thắt chặt chính sách, hoặc ít nhất cũng là giữ nguyên mức hiện tại, hơn là giảm lãi.

"Dù tác động trực tiếp từ giá dầu tăng là nhỏ, việc giá cả nhìn chung tăng lên, đi kèm nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát cơ bản bắt đầu tăng tốc, có thể khiến Fed khó giảm lãi suất thêm", Beth Ann Bovino - nhà kinh tế học tại S&P Global Ratings nhận định, "Lạm phát hạ nhiệt chính là bộ đệm cho Fed. Cơ quan này có thể giảm lãi, miễn là lạm phát còn thấp".

Các số liệu kinh tế của Mỹ gần đây khá tốt. Niềm tin tiêu dùng và kinh doanh cũng tăng lên. Doanh số bán lẻ cao càng tạo ra tâm lý lạc quan. Và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng đang hạ nhiệt.

Tuy nhiên, lạm phát tại đây có xu hướng tăng tốc, đặc biệt sau cú sốc giá dầu, sẽ càng khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell củng cố lập trường hạ lãi suất chỉ là điều chỉnh giữa chu kỳ, chứ không phải sự bắt đầu của một quá trình nới lỏng dài hạn.

"Tôi không nhớ có lần nào khác gần đây mà chỉ trong một tháng, hoặc vài tuần, tình hình thay đổi chóng mặt trước cuộc họp của Fed như thế này", Jim Paulsen - chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group cho biết, "Tôi vẫn cho là Fed sẽ giảm 0,25% thôi. Nhưng khả năng này đang thấp đi rồi".

Paulsen cho rằng Powell sẽ gặp thách thức khi phát biểu sau cuộc họp. Ông sẽ phải lý giải vì sao Fed thắt chặt trong bối cảnh kinh tế đang cải thiện và các chỉ số chứng khoán ở gần mức kỷ lục.

Powell có truyền thống nói ra những điều thị trường không muốn nghe. Tháng 10/2008, ông khiến chứng khoán bị bán tháo khi tuyên bố Fed sẽ còn nâng lãi nhiều lần nữa. Đến tháng 12, ông khiến nhà đầu tư náo loạn khi nói Fed sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán theo "chế độ tự động". Tháng 7 năm nay, Powell khẳng định việc giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm chỉ là điều chỉnh giữa chu kỳ.  

"Lần này, không biết ông ấy có tuyên bố rằng việc điều chỉnh giữa chu kỳ đã chấm dứt hay không", Michael Arone - chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors cho biết.

Xét về triển vọng lãi suất trong dài hạn, dự báo của thị trường và hành động thực tế của Fed gần đây đã tiến gần nhau hơn. Dù vậy, khoảng cách giữa hai bên vẫn còn khá xa. Thị trường vẫn đặt cược Fed sẽ giảm lãi 3-4 lần nữa cho đến giữa năm 2021.

Arone thì cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc mới là chìa khóa. "Nhà đầu tư đều đồng ý rằng nếu không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Fed sẽ chẳng hạ lãi suất vào thời điểm này đâu", ông kết luận.

Chuyên đề