M&A toàn cầu 2016: Trung Quốc lộ tham vọng vô địch

Trong khi các công ty Mỹ, châu Âu, cũng như giới đầu tư đang tiếp tục “tiêu hóa” các thương vụ M&A kỷ lục trong năm 2015, năm 2016 đã có một khởi đầu bình tĩnh hơn đối với hoạt động này.
M&A toàn cầu 2016: Trung Quốc lộ tham vọng vô địch

Mặc dù vậy, vẫn có một điểm sáng nổi trội đối với M&A toàn cầu: Trung Quốc.

Hoạt động M&A toàn cầu trong quý I/2016 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 621,6 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Trong số đó, có 2 thương vụ nổi trội nhất là China National Chemical Corp đề nghị mua lại Syngenta AG với giá 43 tỷ USD và Shire Plc sáp nhập Baxalta Inc với giá 32 tỷ USD.

Nếu thiếu đi sức mua từ các công ty Trung Quốc, giá trị các thương vụ đạt được thậm chí còn thấp hơn nhiều. Theo đó, các công ty Trung Quốc đã thực hiện các thương vụ mua sắm tài sản nước ngoài trị giá 97 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, như là một phần của quá trình “săn lùng” tài sản nước ngoài chưa từng có từ trước tới nay. Con số này gần bằng giá trị của tất cả các thương vụ M&A được thực hiện trong năm 2014 và 2015.

Dưới đây, một số chuyên gia hàng đầu về M&A tại Mỹ và châu Âu sẽ chia sẻ cách nhìn của họ về lĩnh vực này trong năm 2016, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động, yếu tố chính trị bất ổn tác động tới các thị trường tài chính, và Trung Quốc với tham vọng mạnh mẽ thâu tóm tài sản nước ngoài.

Gilberto Pozzi, đồng Chủ tịch bộ phận M&A toàn cầu tại Goldman Sachs Group Inc

Hoạt động M&A trong quý I thấp hơn so với kỳ vọng do thị trường tài chính bất ổn, tín dụng không ngừng mở rộng và mối lo ngại về các yếu tố vĩ mô gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì sự tự tin rằng sẽ có sự gia tăng trở lại từ nay tới cuối năm khi tính thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu cải thiện, thị trường vốn duy trì đà tăng, khiến các công ty nhận ra M&A là cách tốt nhất để tăng lợi nhuận trong môi trường tăng trưởng chậm như hiện nay.

Việc các công ty Trung Quốc thúc đẩy hoạt động M&A một phần là bởi tốc độ tăng trưởng chậm hiện tại ở Trung Quốc, khiến các công ty tìm cách mở rộng hoạt động ra ngoài biên giới. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến lược sáp nhập các công ty nước ngoài. Đây là những cơn gió thuận chiều khiến các công ty Trung Quốc sẽ hoạt động mạnh hơn nữa đối với các thương vụ M&A trong năm 2016 và sau đó.

Anu Aiyengar, Giám đốc bộ phận M&A Bắc Mỹ tại JPMorgan Chase & Co

Chúng ta thấy có ít hơn các thương vụ khổng lồ, dù số lượng các thương vụ M&A gia tăng. Trong năm 2016, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự gia tăng các thương vụ M&A đa dạng hơn tại các ngành công nghiệp và một phần tại lĩnh vực dịch vụ tài chính, bổ sung cho sự thiếu hụt các thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ.

Hoạt động M&A nước ngoài của Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đây đã là quý thứ 3 các hoạt động M&A xuyên biên giới của các công ty quốc gia này ở mức cao. Họ đang tìm kiếm các thương hiệu mạnh hoặc công nghệ tốt, cũng như đẩy mạnh hoạt động tại lĩnh vực du lịch và giải trí nhằm đón trước xu hướng tăng không ngừng trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thấy các công ty Trung Quốc đang thuê các chuyên gia hàng đầu ngay từ sớm nhằm tiến hành các thương vụ sáp nhập.

Larry Hamdan, giám đốc bộ phận M&A Hoa Kỳ tại Barclays

Nếu 2015 là năm của các thương vụ M&A giá trị khổng lồ thì 2016 có thể là năm của các thương vụ xuyên biên giới. 40% khối lượng các thương vụ M&A trong quý I mang tính đa quốc gia, trong đó đa số là từ các công ty châu Âu và châu Á tìm mua tài sản tại Mỹ. Giá trị các thương vụ M&A trong năm 2016 có thể thấp hơn so với mức đỉnh vừa đạt được trong năm 2015, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng đây vẫn là một năm nhộn nhịp của hoạt động này.

Các công ty Trung Quốc đang muốn trở thành nhà vô địch thế giới. Chúng tôi chứng kiến họ thực hiện các thương vụ lớn tại Mỹ và châu Âu, và ngày càng có khả năng cạnh tranh cao hơn trong việc đấu giá M&A. Theo đó, hoạt động M&A ngoài biên giới có thể tiếp tục gia tăng khi các công ty Trung Quốc tìm kiếm các thương hiệu toàn cầu và công nghệ mới.

Chuyên đề