Lời trấn an chưa trọn vẹn của Mỹ với châu Á tại Đối thoại Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trấn an đối tác và đồng minh châu Á về cam kết của Mỹ trong khu vực, nhưng ông không phải là người đưa ra quyết sách cuối cùng về châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. Ảnh:Trọng Giáp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. Ảnh:Trọng Giáp.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bước lên phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm qua, các cử tọa đều mong chờ được ông trả lời hai câu hỏi quan trọng: Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi lợi ích an ninh quốc gia ở châu Á của mình như thế nào và Washington sẽ cân bằng giữa lợi ích an ninh và giá trị đối ngoại của mình trong khu vực ra sao, theo Economist.

Hai câu hỏi này càng trở nên quan trọng với các quốc gia trong khu vực, trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố bãi bỏ chiến lược "tái cân bằng châu Á", trong khi Trung Quốc không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình, thông qua các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, còn Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Các bình luận viên của Economist cho rằng ông Mattis đã tận dụng cơ hội phát biểu này để đưa ra câu trả lời khéo léo cho câu hỏi thứ nhất. Ông cho biết Mỹ coi mối đe dọa từ Triều Tiên là "hiện hữu và rõ ràng", muốn Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát đồng minh này, nhưng sẽ không đánh đổi điều đó để chấp nhận thỏa hiệp với Bắc trên Biển Đông.

"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá", ông Mattis nói. "Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép".

Tuyên bố của ông Mattis phản ánh một điều rằng những quan điểm cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên phải đánh đổi bằng sự nhượng bộ trên Biển Đông là sai lầm. Nói một cách khác, câu trả lời của Mattis phản ánh quyết tâm của Mỹ trên Biển Đông, trong đó có thể bao hàm việc nước này gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển chiến lược này.

Giới quan sát đánh giá bài phát biểu của ông Mattis là "tốt hết mức có thể" khi trả lời câu hỏi thứ nhất về lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong câu hỏi thứ hai liên quan đến giá trị của chính sách đối ngoại ở khu vực, câu trả lời của ông chưa thực sự thuyết phục như vậy.

Một đại biểu Australia tham dự phiên thảo luận đặt câu hỏi liệu khu vực châu Á có nên lo lắng rằng họ đang chứng kiến sự "sụp đổ của trật tự thượng tôn pháp luật" hay không, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp có những quyết sách như rút khỏi TPP và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Một đại biểu Nhật còn chất vấn liệu Mỹ vẫn chia sẻ "những giá trị chung" với các đồng minh của mình hay không, hay chỉ còn đơn thuần là các lợi ích về an ninh.

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tìm cách trấn an các đồng minh và đối tác châu Á rằng trong tinh thần của người Mỹ tồn tại những nguyên tắc và bản năng ăn sâu bám rễ đến mức chúng có thể trụ vững qua những biến động chính trị của các cuộc bầu cử. Ông cũng nhấn mạnh rằng chính Tổng thống Trump đã cử ông tới Tokyo và Seoul trong chuyến công du đầu tiên của mình để làm rõ cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á.

Ông Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La

"Lịch sử Đại Suy thoái trong thế kỷ 20 cho chúng ta thấy mọi thứ tồi tệ như thế nào nếu chúng ta đều rút lui vào trong biên giới của mình. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn là một phần của thế giới. Điều đó vẫn trường tồn, dù có những nỗi giận dữ trong lòng nước Mỹ rằng chúng tôi đã đảm đương gánh nặng quá lớn. Sát cánh cùng thế giới vẫn là thứ thâm căn cố đế trong tinh thần Mỹ", ông nói.

Nhưng khi đề cập đến trật tự thượng tôn pháp luật ở châu Á, cũng như mức độ cam kết của Mỹ trong khu vực, các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Mattis chỉ là người truyền tải thông điệp, trong khi người có quyết định cuối cùng là Tổng thống Donald Trump, người luôn đề cao chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết".

Giới quan sát cho rằng tại đối thoại Shangri-La, các đại biểu không giấu nổi sự nhẹ nhõm rằng nước Mỹ đang có một Bộ trưởng Quốc phòng đầy khôn ngoan và nguyên tắc như ông Mattis. Nhưng Lầu Năm Góc không thể là bên quyết định cuối cùng về cách nước Mỹ cân bằng giá trị và lợi ích trong vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

"Dù ông Mattis đã thể hiện được rất nhiều trong Đối thoại Shangri-La, người có tiếng nói cuối cùng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á vẫn là Tổng thống Trump. Với châu Á, đó vẫn là sự trấn an chưa trọn vẹn", bình luận viên của Economist kết luận.

Chuyên đề