Lãi kỷ lục, vì sao Amazon không phải đóng đồng thuế nào?

Năm 2018, Amazon báo lãi 11,2 tỷ USD nhưng không phải đóng đồng thuế nào cho chính phủ Mỹ...
Jeff Bezos - CEO của Amazon - Ảnh: Getty Images.
Jeff Bezos - CEO của Amazon - Ảnh: Getty Images.

Amazon là một trong những công ty giá trị nhất thế giới với vốn hóa gần 800 tỷ USD. Năm 2018, công ty này đạt doanh thu toàn cầu 232,9 tỷ USD và lãi kỷ lục 11,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 5,6 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, công ty này không phải đóng đồng thuế nào cho chính phủ liên bang Mỹ trong 2 năm qua, CNN cho biết. 

Luật thuế Mỹ cho phép các công ty thua lỗ khấu trừ thuế trên các khoản lợi nhuận trong tương lai. Trong quá trình kinh doanh hơn 2 thập kỷ, Amazon đã "tích lũy" khoản lỗ hàng tỷ USD. Cụ thể, trong 8 năm đầu sau khi niêm yết, công ty này báo lỗ tổng cộng 3 tỷ USD. Từ năm 2003 là các năm lỗ và lãi đan xen. Năm lỗ gần đây nhất của Amazon là 2014 với 241 triệu USD.

Tổng lợi nhuận của Amazon vượt qua nhiều lần tổng số lỗ đó. Tuy nhiên, một phần thu nhập của Amazon đến từ bên ngoài nước Mỹ và với phần thu nhập này, công ty phải trả thuế ít hơn hoặc không phải chịu thuế ở Mỹ. Phần còn lại được khấu trừ bằng các khoản đầu tư vào thiết bị, như máy tính và robot tại các trung tâm điều phối đơn hàng.

Theo đó, năm 2018, Amazon được hưởng hoàn thuế 129 triệu USD, bao gồm tín dụng thuế và khấu trừ thuế. Con số này của năm 2017 là 137 triệu USD. Theo báo cáo tài chính mới dây, Amazon vẫn còn 1,4 tỷ USD tín dụng thuế để trừ vào thuế thu nhập trong tương lai.

Trên thực tế, nhiều công ty thua lỗ đang trả ít hoặc thậm chí là 0 USD thuế thu nhập cho chính phủ Mỹ. General Motors đang chỉ phải trả khoản thuế rất nhỏ kể từ khi vực dậy sau phá sản vào năm 2009, dù báo lãi kỷ lục trong vài năm. GM cũng dự kiến không phải trả thuế đáng kể nào trong vài năm tới.

Những người ủng hộ luật thuế liên bang cho rằng tín dụng thuế đối với các khoản lỗ trong quá khứ, các khoản mua sắm thiết bị, nghiên cứu và phát triển, cho phép doanh nghiệp đầu tư vào phát triển trong tương lai. 

"Amazon là một công ty lớn và thành công được như vậy nhờ đầu tư mạnh", Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics. "Hầu hết chính sách của chúng ta đều nhìn quá ngắn hạn. Đây là một chính sách dành cho tư duy dài hạn và chấp nhận rủi ro".

Các doanh nghiệp Mỹ cũng được hưởng lợi từ đạo luật cắt giảm thuế được Quốc hội ban hành năm 2017, theo đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. 

Trong thông cáo gửi tới CNBC, người phát ngôn của Amazon nói rằng: "Amazon đang trả tất cả loại thuế theo quy định tại Mỹ và mọi quốc gia chúng tôi hoạt động". Năm 2016, Amazon đã trả 1,1 tỷ USD thuế liên bang. Ngoài ra, trong 2 năm qua, công ty này đã trả 533 triệu USD tiền thuế bang và 1,3 tỷ USD thuế quốc tế. 

Amazon mới đây tuyên bố hủy bỏ kế hoạch mở trụ sở thứ 2 tại New York (dự kiến tạo 25.000 việc làm) trước làn sóng phản đối khi chính quyền thành phố Long Islands và bang này đưa ra khoản ưu đãi thuế tới 1,5 tỷ USD cho công ty. Trên thực tế, khoản giảm thuế mà Amazon nhận được từ chính phủ liên bang còn nhiều hơn, nhưng lại ít được chú ý hơn.

Chuyên đề