Kinh tế Nga ghi nhận giảm phát lần đầu tiên sau 5 năm

Ngày 3/8, Cơ quan Thống kê Nga công bố đã ghi nhận chỉ số giảm phát 0,1% trong tuần từ 26/7 đến 1/8 - lần đầu tiên kể từ tháng 9/2011. 
Nữ công nhân Nga làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy OAO KamAZ. (Nguồn: wsj.com)
Nữ công nhân Nga làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy OAO KamAZ. (Nguồn: wsj.com)

Dù phần nhiều do yếu tố mùa vụ, song Bộ Kinh tế Nga hy vọng giảm phát sẽ tiếp diễn trong tháng Tám và đầu tháng Chín. 

Bộ Kinh tế Nga vẫn giữ nguyên đánh giá lạm phát tháng Bảy ở mức 0,5-0,7%. Với mức này, lạm phát năm tính đến hết tháng Bảy giảm còn 7,2-7,4% từ mức 7,5% tính đến cuối tháng Sáu. 

Trong khi đó, Ngân hàng Nga dự báo lạm phát năm tính đến hết tháng Bảy ở mức 7,3%, sẽ giảm xuống 5-6% cho đến cuối năm 2016. 

Các yếu tố kéo lạm phát chậm lại theo Ngân hàng Nga là giá dịch vụ dân sinh thấp hơn, vụ mùa thu hoạch và tâm lý tiêu dùng kiềm chế.

Cả Bộ Kinh tế lẫn Ngân hàng Nga đều cho rằng còn quá sớm để sửa đổi dự báo về lạm phát, khi mới chỉ dựa vào con số giảm phát của một tuần. Như vậy dự báo của Ngân hàng Nga giữ nguyên dự báo lạm phát năm 2016 ở mức 5-6%. 

Còn Bộ Kinh tế cho biết vào tháng 8-9 tới sẽ xem xét lại các con số dựa vào thông tin báo cáo. Hiện dự báo của Bộ này về lạm phát 2016 là 6,5%. Tuy nhiên Bộ trưởng Aleksey Uliukaiev không loại trừ mức tăng giá sẽ không vượt 6%.

Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Nordea Bank (top 30 ngân hàng hàng đầu của Nga) Dmitry Savchenko tỏ ra dè dặt với kỳ vọng của Bộ trưởng Kinh tế, cho rằng lạm phát năm khó dưới mức 6%, thực tế hơn sẽ là 6,3%. 

Song ông cho rằng xu thế giảm lạm phát vẫn sẽ duy trì, và cho phép Ngân hàng Nga hạ lãi suất then chốt 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm.

Tháng Bảy vừa qua, Ngân hàng Nga đã giữ nguyên lãi suất then chốt ở mức 10,5%./. 

Chuyên đề