Kinh tế giảm tốc, Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần đầu tiên từ 2016

Với rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn, Singapore để ngỏ khả năng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ...
Một góc Singapore - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Một góc Singapore - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Ngân hàng trung ương Singapore ngày 14/10 có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 2016, đồng thời phát tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh thêm, trong bối cảnh rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn.

Hãng tin Bloomberg cho biết, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ chính sách chủ đạo. Trong động thái vừa được đưa ra, MAS "giảm nhẹ mức tăng" trong biên độ biến động tỷ giá. MAS cũng nói sẽ "điều chỉnh thêm chính sách tiền tệ" nếu triển vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế có sự suy giảm đáng kể.

Dữ liệu công bố ngày 14/10 cho thấy nền kinh tế Singapore tăng trưởng 0,6% trong quý 3 so với quý 2. Mức tăng này giúp đảo quốc sư tử tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật, sau khi nền kinh tế đã giảm 2,7% trong quý 2 so với quý 1.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Singapore quý 3 tăng 1%, bằng với mức tăng đạt được trong quý 2.

Mặc dù vậy, MAS vẫn bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp. Thương chiến Mỹ-Trung đang gây sức ép mạnh lên nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore, trong đó ngành sản xuất của nước này chịu áp lực lớn hơn cả.

"Tôi cho rằng việc MAS tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh thêm chính sách tiền tệ đã nói rõ về dự định của họ", chiến lược gia Terence Wu thuộc ngân hàng OCBC nhận xét. "Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không loại trừ khả năng trong cuộc họp tới, MAS sẽ giảm biên độ biến động tỷ giá về 0".

Trước MAS, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng để ứng phó với áp lực mà thương chiến Mỹ-Trung đặt ra cho tăng trưởng kinh tế. Về phần mình, MAS có phương pháp tiếp cận từ tốn hơn, một mặt vừa theo dõi chặt chẽ các rủi ro đối với tăng trưởng, một mặt bám sát các chỉ số thị trường việc làm đến nay vẫn vững vàng.

"Số liệu GDP của Singapore tuy cho thấy nền kinh tế tránh được suy thoái kỹ thuật, nhưng không phải là một con số đáng để lạc quan", ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược thuộc Mizuho Bank ở Singapore, nhận xét. "Sự suy thoái trong ngành sản xuất vẫn tiếp diễn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế không hẳn mà mờ mịt, nhưng cũng không lấy làm sáng sủa".

MAS dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore sẽ khởi sắc nhẹ trong năm tới, nhưng nói rằng dự báo này có thể trở thành sự thật hay không "phụ thuộc vào sự bấp bênh đáng kể của môi trường bên ngoài".

Theo dự báo của MAS, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Singapore 2019 sẽ rơi vào vùng giữa của khoảng dự báo tăng 0-1%. Lạm phát lõi được dự báo sẽ ở cận dưới của khoảng dự báo 1-2% trong 2019 và bình quân 0,5-1% trong 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo tăng 0,5% trong năm nay và tăng 0,5-1,5% trong 2020.

"Chúng tôi cho rằng dự báo lạm phát lõi 2020 của MAS cho thấy cánh cửa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ được để ngỏ trong trường hợp cần thiết", bà Divya Devesh, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ thuộc Standard Chartered, nhận định.

MAS định hướng tỷ giá đồng Đôla Singapore so với một rổ tiền tệ và điều chỉnh tốc độ tăng/giảm giá của đồng nội tệ bằng biên độ biên độ dao động tỷ giá. MAS không công bố chi tiết cụ thể của rổ tiền tệ cũng như biên độ tỷ giá.

Chuyên đề