Khu trục hạm bị đâm lộ điểm yếu của tàu chiến Mỹ

Tai nạn xảy ra với tàu USS Fitzgerald cho thấy các khu trục hạm lớp Arleigh Burke dễ bị vô hiệu hóa thế nào trước các vụ đâm va.

Tàu USS Fitzgerald hư hại sau cú đâm của tàu hàng. Video: Reuters.

Tàu khu trục USS Fitzgerald hư hỏng nghiêm trọng sau khi va chạm với tàu chở hàng hôm 17/6 ngoài khơi Nhật Bản, khiến 7 thủy thủ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Thiệt hại này cho thấy điểm yếu trong cấu trúc các tàu chiến hiện đại của Mỹ, khi chúng dễ dàng mất khả năng chiến đấu từ những cú đâm va, theo National Interest.

Sau vụ đâm tàu Fitzgerald, tranh luận về sự cân bằng giữa giáp phòng thủ, tốc độ và tính cơ động của tàu chiến lại nổ ra. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ được thiết kế với nhiều lớp phòng thủ nhằm chống lại các loại vũ khí của đối phương, nhưng không phải là không thể bị xuyên thủng.

Seth Cropsey, giám đốc Trung tâm Sức mạnh hải quân Mỹ tại Viện Hudson (CAS), cho rằng tàu chiến hiện đại rất dễ tổn thương. Lớp Arleigh Burke chỉ trang bị cấu trúc thép hai lớp và lót vật liệu Kevlar chống mảnh văng ở một số khu vực quan trọng. Nếu tăng cường khả năng chống chịu bằng cách bổ sung giáp, chúng sẽ trở nên nặng nề, khiến khả năng cơ động và tốc độ sẽ bị suy giảm đáng kể.

Các lớp phòng thủ có thể chặn nhiều đòn tấn công, nhưng một khi chúng bị xuyên thủng, tàu chiến hiện đại sẽ rất dễ tổng thương. Hệ thống cảm biến, máy tính và bệ phóng vũ khí bố trí khắp thân tàu rất dễ bị phá hủy. Khi bị đánh trúng, các bộ phận này nhiều khả năng bị loại khỏi vòng chiến, khiến khu trục hạm không thể tiếp tục chiến đấu.

Khu trục hạm bị đâm lộ điểm yếu của tàu chiến Mỹ ảnh 1

Lớp vỏ của tàuFitzgerald móp méo nặng sau cú đâm. Ảnh:Reuters.

Việc tăng giáp cho tàu chiến hiện đại là yếu tố có thể xem xét, nhưng đổi lại, chiến hạm sẽ mất nhiều không gian cho giáp bảo vệ hoặc buộc phải tăng kích thước. Cả hai trường hợp đều gây ảnh hưởng tới sự cân bằng và cơ động của tàu. Bổ sung giáp ở thân tàu có tác động xấu tới khả năng bố trí cảm biến, vũ khí và các hệ thống khác ở vị trí hiệu quả nhất. Việc bổ sung vỏ giáp ở phần thượng tầng sẽ nâng cao trọng tâm của tàu, khiến nó dễ tròng trành hơn trong quá trình hoạt động trên biển.

Công nghệ cảm biến và vật liệu mới có thể thay đổi những tính toán này. Các vật liệu như Gallium Nitride cho phép thu nhỏ và tăng hiệu quả hoạt động của radar, trong khi vải chống đạn Kevlar đem lại khả năng bảo vệ cao hơn trước đạn động năng hoặc chất nổ. Khi cảm biến và hệ thống vũ khí trở nên nhỏ nhẹ hơn, hải quân Mỹ có thể cắt giảm cấu trúc thượng tầng để nhường chỗ cho giáp bảo vệ.

Tuy nhiên, việc bổ sung giáp có thể không thay đổi được kết cục vụ việc với tàu USS Fitzgerald. Lớp vỏ chỉ dày 63,5 mm của lớp Arleigh Burke không thể ngăn được cú đâm của một tàu hàng có giãn nước tới 29.000 tấn.

Ông Cropsey cho rằng sau sự cố này, hải quân Mỹ sẽ không chú ý tới việc tăng cường sức chống chịu cho con tàu, mà sẽ tập trung vào quá trình đánh giá kỹ năng đi biển, đề ra các quy định gắt gao hơn với các thủy thủ và đội ngũ sĩ quan chỉ huy tàu chiến.

"Cách duy nhất để hạn chế thiệt hại chính là tăng cường khả năng hoạt động của kíp lái, ngăn chặn thảm họa từ trước khi nó có cơ hội xảy ra", ông nhấn mạnh.

Chuyên đề