Jack Ma: Đừng tìm việc ngành sản xuất

Theo ông chủ Alibaba, ngành sản xuất hiện không còn là động lực chính tạo ra việc làm vì trí tuệ nhân tạo và máy móc thay thế.
Jack Ma phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thế giới tại New York. Ảnh:Bloomberg
Jack Ma phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thế giới tại New York. Ảnh:Bloomberg

"Trong 200 năm trước, ngành sản xuất đem lại việc làm. Nhưng ngày nay vì trí tuệ nhân tạo và robot, lĩnh vực này không còn là động lực chính tạo ra việc làm", Jack Ma phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Toàn cầu do Bloomberg tổ chức tại New York (Mỹ) hôm qua.

Tỷ phú này tin tưởng ngành công nghiệp dịch vụ sẽ là động lực lớn nhất để tạo ra việc làm trong tương lai. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhỏ sử dụng internet để mở rộng thị trường sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ này.

Quan điểm của tỷ phú Trung Quốc hoàn toàn khác với Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Ông Trump từng nhiều lần cam kết khôi phục việc làm ngành sản xuất của nước Mỹ. "Khi bàn luận về sản xuất, chúng ta không nên nói về Made in China hay Made in America mà nên là Made in Internet", ông chủ Alibaba cho biết.

Tuy nhiên, Jack Ma cũng nhận ra một trở ngại lớn đang tồn tại. Ông không tin phương pháp giáo dục của thế giới hiện phù hợp với với công việc thực tế trong tương lai của thế hệ trẻ.

"Cách dạy của chúng ta sẽ làm cho lũ trẻ thất nghiệp trong 30 năm tới", ông nhận định. Jack Ma nhấn mạnh những công việc như tính toán, máy móc sẽ luôn luôn làm tốt hơn.

Theo nhà sáng lập Alibaba, chìa khoá để giữ lại công việc cho con người sẽ là khả năng sáng tạo. "Chúng ta phải dạy để cho lũ trẻ rất, rất đổi mới, rất sáng tạo. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tạo ra công việc cho chúng", tỷ phú cho hay.

Khi nói đến trí tuệ nhân tạo, Jack Ma tự biến mình thành một con người thực tế nhưng cũng rất lạc quan. "Công nghệ mới sẽ xoá bỏ rất nhiều việc làm. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo ra hàng loạt công việc mới. Vấn đề là liệu chúng ta có sẵn sàng và đủ khả năng cho những công việc mới này không", ông chia sẻ.

Theo Jack Ma, chúng ta hiện không nên làm lan rộng mối lo sợ về một cuộc chiến giữa con người và máy móc. Máy tính sẽ không bao giờ điều khiển được "sự hiểu biết" và "tình yêu", điều này giúp con người có một lợi thế lâu dài.

"Tôi không thích những nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân khiến mọi người lo sợ về công nghệ. Nhiều người đang lo lắng máy móc sẽ điều khiển được con người.on người nên tự tin. Con người có trí tuệ nhưng máy móc thì không", ông nói

Trước đó, CEO Tesla - Elon Musk đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo. Tháng trước, Musk đã gửi một lá đơn đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu cấm vũ khí tự động. Ông cũng từng cho rằng con người nên lo lắng về trí tuệ nhân tạo hơn là Triều Tiên.

Chuyên đề