Hậu quả nếu Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

Quyết định gây đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm tổn hại không nhỏ đến uy tín và danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 tuyên bố sẽ không xác nhận Iran tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân quan trọng với Tehran đạt được dưới thời Obama. Điều này đồng nghĩa với việc quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét khả năng có tái áp đặt lệnh cấm vận với Iran hay không.

Giới chuyên gia cho rằng với việc từ chối công nhận Iran tuân thủ JCPOA, ông Trump gần như đã đặt thỏa thuận hạt nhân vốn nhận được rất nhiều sự ủng hộ này vào tình thế đổ vỡ, bởi Iran đã khẳng định họ sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu Mỹ tái áp đặt các lệnh cấm vận. Hành động này của Trump cũng sẽ khiến Mỹ đối mặt với nhiều rủi ro, theo New Yorker.

Sau khi chính quyền Obama ký thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2015, ông Trump, khi đó còn là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, đã gọi đây là "thỏa thuận tệ nhất" và tuyên bố sẽ đàm phán lại khi ông lên nắm quyền. Trên thực tế, thỏa thuận đột phá này là kết quả của sự đồng thuận hiếm hoi. Sau nhiều năm trì hoãn, Trung Quốc và Nga đã cùng với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ Mỹ gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách.

Sau khi được ký kết, thỏa thuận này đã chứng tỏ hiệu lực không thể tranh cãi của nó với chương trình hạt nhân của Iran. Để được dỡ bỏ các lệnh cấm vận từ Mỹ và các nước khác, Iran đã đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân và cho phép quan sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tới đây thanh tra. Ngay cả những người chỉ trích Tehran mạnh mẽ nhất như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và cựu tổng thống Israel Ehud Barak cũng coi thỏa thuận này có ý nghĩa then chốt với an ninh quốc tế.

Bình luận viên Evan Osnos chỉ ra kịch bản tiềm ẩn nhiều rủi ro khi JCPOA được đưa ra trước quốc hội Mỹ. Nếu quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát thúc đẩy một dự luật đòi hỏi sự nhượng bộ hơn nữa từ Iran, nước này có thể hủy thỏa thuận, trục xuất thanh sát viên quốc tế và tăng tốc chương trình hạt nhân.

Điều này có thể dẫn tới việc Mỹ hoặc Israel ra tay đánh phủ đầu nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran để ngăn ngừa nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Chuỗi sự kiện như vậy có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm, nhất là khả năng Mỹ xảy ra xung đột quân sự với Iran trong bối cảnh nước này đang đối diện nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng việc tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận chẳng khác nào hành vi tự sát, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và an ninh của Mỹ. "Việc rút khỏi một thỏa thuận do chính mình soạn thảo, đàm phán và bảo vệ sẽ hủy hoại vị thế dẫn đầu trong nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ hàng thập kỷ qua", Thomas Graham, Jr., một đại sứ về hưu, người từng tham gia mọi cuộc đàm phán lớn về giải giáp vũ khí và kiểm soát vũ trang của Mỹ trong 25 năm, nói.

Thanh sát viên IAEA kiểm tra một cơ sở hạt nhân Iran. Ảnh:IAEA.

"Đây là điều chưa từng có tiền lệ và chẳng có lý do gì để không phê chuẩn nó ngoại trừ việc muốn gây chiến. Điều này chắc chắn đi ngược lại một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí", Graham nhận định.

Việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ làm tổn hại không nhỏ đến uy tín Mỹ trong các cường quốc tham gia thỏa thuận, gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức. Điều này có thể sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc khi hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên trong tương lai.

"Nếu Mỹ đi ngược lại một thỏa thuận quốc tế chỉ vì họ thay đổi chính quyền, danh tiếng cường quốc của họ liệu có đáng tin cậy?" một tờ báo Trung Quốc hoài nghi.

Qua biến cố này, lòng tin và uy tín của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vấn đề Triều Tiên. Việc Mỹ hủy bỏ một thỏa thuận đối ngoại quan trọng được ký trong chính quyền trước sẽ khiến các quan chức Triều Tiên có lập trường muốn thỏa hiệp với Mỹ bị yếu thế.

"Những quan chức chủ chiến trong chính quyền Bình Nhưỡng sẽ áp đảo các quan chức ngoại giao, tình báo và kinh tế trong các cuộc thảo luận nội bộ nước này", Michael Madden, chuyên gia trang North 38 của Đại học John Hopkins, nhận định.

Danh tiếng một quốc gia là một loại tài sản không dễ thấy và chỉ có thể thấy trong trường hợp khẩn cấp, theo Osnos. Việc Tổng thống Trump phủ nhận thành tựu của người tiền nhiệm trong thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ làm suy yếu danh tiếng của Mỹ trong mắt kẻ thù và bạn bè của Mỹ, cây bút này nhận định.

Chuyên đề