Guam - 'tàu sân bay vĩnh cửu' của Mỹ

Guam được mệnh danh là "tàu sân bay vĩnh cửu" của Mỹ, là nơi Washington đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng.
Chiến đấu cơ đậu tại căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh:ABC News.
Chiến đấu cơ đậu tại căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh:ABC News.

Triều Tiên hôm nay tuyên bố "đang kiểm tra kỹ lưỡng kế hoạch hoạt động để tấn công với hoả lực bao trùm các khu vực xung quanh đảo Guam bằng Hwasong-12, tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới tầm xa".

Động thái trên dường như nhằm đáp trả lời cảnh báo trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ sẵn sàng trút "hỏa lực" và "thịnh nộ" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành vi đe dọa. Ông Trump đưa ra tuyên bố này sau khi tờ Washington Post dẫn thông tin từ tình báo Mỹ đánh giá Triều Tiên đã sản xuất thành công đầu đạt hạt nhân thu nhỏ có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Giới chuyên gia nhận định lời đe dọa Triều Tiên phát đi chắc chắn sẽ khiến Mỹ lo âu bởi Guam có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với Washington, theo Atlantic.

Guam - 'tàu sân bay vĩnh cửu' của Mỹ ảnh 1

Vị trí đảo Guam. Đồ họa:CNN.

Guam, với dân số khoảng 160.000 người, là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra. Guam cách Hawaii hơn 5.000 km về phía tây, cách Philippines và Nhật Bản hơn 2.000 km về phía đông và phía nam, cách Hàn Quốc và Triều Tiên chỉ vài giờ bay.

Ông Ashton Carter, bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, ca ngợi hòn đảo này là "một trung tâm đầu não chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương". Lầu Năm Góc đang có kế hoạch mở rộng quy mô các cơ sở tại Guam. Hơn 6.000 binh sĩ Mỹ hiện đóng quân trên đảo Guam và con số được kỳ vọng tăng gấp đôi vào thập kỷ sau.

Vị trí đảo Guam có ý nghĩa lớn với Mỹ. Nó nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, nhiều nước trong số đó là đồng minh của Mỹ.

Việc Triều Tiên đe dọa tấn công Guam không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của Mỹ trong khu vực mà còn tạo tâm lý bất an cho một bộ phận cư dân sinh sống trên đảo, những người lâu nay vẫn muốn các binh sĩ Mỹ rời đi.

Giới lãnh đạo quân sự Mỹ gọi Guam là "tàu sân bay vĩnh cửu và là "mũi giáo Thái Bình Dương" chĩa vào Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Washington hồi năm 2013 triển khai Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tới Guam như một biện pháp phòng vệ trước những mối đe dọa từ tên lửa Bình Nhưỡng.

Guam từ lâu đã được Washington sử dụng như một căn cứ chuyển tiếp ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Mỹ đã chi khoảng 26 tỷ USD xây dựng một cơ sở hải quân quy mô trên đảo cũng như nâng cấp những căn cứ quân sự cũ.

Hàng chục đơn vị hỗ trợ cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ đóng quân tại Guam. Căn cứ Andersen có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động linh hoạt và đặc biệt cho Bộ Chỉ huy ở tây Thái Bình Dương và Đông Á, hỗ trợ trong cả các cuộc xung đột cục bộ lẫn tác chiến lâu dài.

Guam - 'tàu sân bay vĩnh cửu' của Mỹ ảnh 2

Máy bay ném bom đắt nhất thế giới B-2 thường xuyên được Mỹ điều tới đảo Guam. Ảnh:AFGSC.

Không quân Mỹ điều động thường xuyên các loại máy bay ném bom B-1, B-2, B-52 cùng hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại tới căn cứ Andersen. Hải quân Mỹ có 4 tàu ngầm tấn công đóng tại Apra và có thể biến căn cứ Andersen thành điểm tiếp nhiên liệu cho tàu chiến nếu cần. Hệ thống cảng trên đảo trong tương lai gần có thể tiếp nhận thêm nhiều tàu ngầm và tàu khu trục hơn nữa.

Từ Guam, Washington vừa có thể triển khai lực lượng qua Thái Bình Dương vừa giữ được khoảng cách an toàn với các mối nguy tiềm tàng, bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo đánh giá từ hãng tư vấn RAND, Andersen là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở bờ tây Thái Bình Dương không bị đe dọa bởi các tên lửa đạn đạo truyền thống. Về mặt chiến lược, căn cứ Andersen rất quan trọng với không quân Mỹ bởi nó cung cấp khả năng bao quát toàn vùng Đông Nam Á và nam Trung Quốc.

Suột một thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế thường chỉ chú ý tới các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Trong quãng thời gian này, Guam đã âm thầm phát triển trở thành "dự án đồ sộ nhất mà Bộ Quốc phòng đạt được từ trước tới nay", như lời cựu thứ trưởng hải quân Mỹ B.J. Penn nhận xét.

Chuyên đề