Gian nan cuộc chiến chống tin giả trên mạng xã hội

(BĐT) - Các trang mạng xã hội đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối thế giới, nhưng đồng thời cũng tạo mảnh đất màu mỡ để tin giả (fake news) lan rộng như một bệnh dịch. Trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này, những nỗ lực vừa qua của các trang mạng xã hội dường như là chưa đủ.
Gian nan cuộc chiến chống tin giả trên mạng xã hội

Vấn nạn tin giả

Ngày 21/4/2019, Chính phủ Sri Lanka tạm thời đóng cửa Facebook cùng hàng loạt trang mạng xã hội khác đang hoạt động tại quốc gia này với mục tiêu ngăn chặn sự lan rộng của các thông tin sai lệch, tin tức giả mạo (fake news) liên quan tới các vụ tấn công khủng bố khiến gần 300 người thiệt mạng và bị thương. Năm ngoái, các tin giả trên Facebook cũng được xem là nguyên nhân dẫn tới các cuộc bạo động tại Sri Lanka.

Việc chính quyền một quốc gia buộc phải tạm dừng hoạt động của các trang mạng xã hội đã cho thấy sức “tàn phá” khủng khiếp của làn sóng tin giả trên mạng xã hội. Hiện tại, tin giả không đơn thuần chỉ để nhận về những cú click chuột hay lượt xem, nó tạo ra nguy cơ khôn lường về thao túng đám đông, đưa các ý tưởng độc hại tới khối lượng cá nhân khổng lồ, kích động bạo lực... Việc đám đông bị thao túng có thể ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế lẫn chế độ chính trị tại nhiều khu vực.

Thực tế, các trang mạng xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thế giới, nhờ vào sự phát triển của Internet, thiết bị di động và công nghệ. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 20% người Mỹ trưởng thành học hỏi, tiếp nhận thông tin thông qua mạng xã hội, chỉ 16% thông qua báo chí.

Đây là mảnh đất màu mỡ để các tin giả sinh sôi và phát tán. Theo báo cáo của BuzzFeed, Top 50 tin giả đình đám trên Facebook đã được thích, chia sẻ và bình luận khoảng 22 triệu lần năm 2018.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Công nghệ Massachusetts chỉ ra rằng, các thông tin không đúng sự thật lan truyền trong phạm vi 1.000 - 100.000 người dùng Twitter với tốc độ nhanh hơn 6 lần so với tốc độ tiếp cận 1.500 người dùng của thông tin chính thống. 

Trách nhiệm tự thân

Trong bối cảnh này, từ các nhà làm luật cho tới cộng đồng cư dân, sức ép yêu cầu các trang mạng xã hội nỗ lực hơn nữa để xử lý vấn nạn tin giả ngày càng gia tăng và Facebook, Twitter, Youtube, cùng nhiều mạng xã hội khác đều tự nâng cao trách nhiệm đối với các nội dung được đăng tải.

Năm 2018, Google nhận ra lỗ hổng trong hệ thống ngăn chặn tin giả và ra mắt Google News Initiative, một nền tảng điện tử có khả năng nâng cao sức mạnh của thông tin chính thống. Bên cạnh đó, Công ty cũng giới thiệu dịch vụ “Subscribe with Google”, khuyến khích người dùng hướng tới các thông tin được đưa ra từ các nhà xuất bản được xác minh.

Trong năm vừa qua, Google đã gỡ bỏ 2,3 tỷ “quảng cáo xấu” có xung đột tới các chính sách thông tin của Hãng, từ chối quảng cáo từ 1,5 triệu ứng dụng và khoảng 28 trang mạng có xu hướng ủng hộ tin tức giả. Công ty lên kế hoạch dành 300 triệu USD để đầu tư cho cuộc chiến này.

Facebook, một trong những doanh nghiệp chịu nhiều chỉ trích vì vấn nạn tin giả, cũng có nhiều nỗ lực để ngăn chặn làn sóng xấu xí này. Công ty thông báo đầu tư 300 triệu USD theo kế hoạch liên kết 3 năm với các tờ báo, cơ quan xuất bản chính thống. Mục tiêu đặt ra là tạo điều kiện để đăng tải các thông tin chất lượng, đồng thời hỗ trợ gia tăng nhu cầu đối với báo giấy.

Đáng chú ý, Facebook đang lên kế hoạch ra mắt một ứng dụng thông tin có sự kết hợp với các nhà xuất bản lớn. Việc cung cấp các thông tin đáng tin cậy ra thị trường cũng là một cách hiệu quả để hạn chế sự lan rộng của tin giả, đồng thời gia tăng uy tín, hình ảnh của Công ty đối với người dùng. Tuy nhiên, Facebook không tập trung vào việc gỡ tin giả mà chú trọng giảm thiểu nguồn cung cấp và phát tán tin.

Tương tự, tháng 1/2019, Youtube thông báo sẽ bắt đầu giảm thiểu việc gợi ý các nội dung còn gây tranh cãi và nội dung có thể dẫn tới sự hiểu nhầm của người dùng theo chiều hướng tiêu cực...

Không sử dụng các trang mạng xã hội nước ngoài, nhưng các trang mạng xã hội của Trung Quốc cũng có cuộc chiến với tin giả của riêng mình. Đáng chú ý, năm 2018, Trung Quốc đã ra mắt nền tảng điện tử “Piyao” - nơi xác minh các tin giả đang được lan truyền trên Internet.

Hoạt động hoàn toàn tách biệt với các trang mạng xã hội, Piyao có tài khoản riêng trên Weibo (được mệnh danh Facebook của Trung Quốc), giúp cải thiện chất lượng nội dung thông tin và xác minh tính chân thực của tin tức. Trong khi đó, Weibo cũng có tài khoản riêng với mục tiêu xác thực nguồn gốc của các tin giả trên mạng xã hội này và đón nhận báo cáo từ người dùng. Thực tế, Weibo đã tham gia cuộc chiến chống lại tin giả kể từ năm 2012, 4 năm trước khi Facebook tiến hành các sáng kiến ngăn chặn tin giả kể trên.

Bước đi mạnh hơn

Những nỗ lực của các trang mạng xã hội trong cuộc chiến với tin giả là dễ nhận thấy, tuy nhiên vẫn chưa thực sự khiến giới chức quản lý, cũng như người dân hài lòng. Một trong những nguyên nhân là việc các doanh nghiệp như Facebook, Google và Youtube đều chỉ nỗ lực gắn nhãn thông tin và hy vọng sẽ không ai xem nội dung đó, thay vì cùng nhau xóa bỏ hết các nội dung này.

Một báo cáo mới được công bố gần đây từ NYU Stern Center for Business and Human Rights nhận định: “Các nội dung không chính xác cần phải được xóa bỏ khỏi các trang mạng xã hội, thay vì chỉ bị giáng cấp hoặc được chú thích thêm”. Logic cho vấn đề này khá dễ hiểu. Nếu các doanh nghiệp như Facebook, Youtube nhận ra đâu là các nội dung không đúng sự thật, giả mạo… và tìm cách ẩn đi, thì tại sao không đơn giản là xóa bỏ luôn khỏi các nền tảng điện tử?

Về vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề nằm ở mô hình kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp cung cấp và khai thác mạng xã hội. Chẳng hạn, với Facebook, mạng xã hội này đang thu hút hơn 2 tỷ người dùng trên toàn cầu, sau đó thu thập dữ liệu cá nhân, sử dụng các thông tin đó để biến thành hàng tỷ USD doanh thu từ quảng cáo mỗi năm. Trong khi đó, các nội dung không chính thống luôn làm rất tốt trong việc khơi gợi cảm xúc, thu hút sự chú ý của người dùng…, góp phần gia tăng cơ sở dữ liệu mà các trang mạng xã hội thu nhận được.

Mô hình này khó có sự thay đổi sớm trong thời gian tới, bởi vậy, cuộc chiến chống lại tin giả vẫn đối diện với những thách thức lớn chưa thể vượt qua. Báo cáo của NYU và Stanford chỉ ra rằng, lượng tương tác với các thông tin chưa xác thực được lan truyền trên Facebook lên tới 70 triệu lượt/tháng. Như vậy, những nỗ lực của các trang mạng xã hội là đáng ghi nhận, nhưng có lẽ đã tới lúc cần thêm những bước tiến mới mạnh mẽ hơn.

Chuyên đề