Giá dầu lại sụt mạnh vì tồn kho dầu Mỹ tăng cao

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu thế giới đã “bốc hơi” hơn 30%...
Đợt giảm từ tháng 10 đến nay của giá dầu tương đương với cú sụt diễn ra trong năm 2008, và thậm chí còn sâu hơn cả đợt giảm 2014-2015.
Đợt giảm từ tháng 10 đến nay của giá dầu tương đương với cú sụt diễn ra trong năm 2008, và thậm chí còn sâu hơn cả đợt giảm 2014-2015.

Giá dầu thế giới sụt 2,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ 10 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn 1 năm. Số liệu này làm gia tăng những mối lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu.

Theo tin từ Reuters, tốc độ bán tháo được đẩy nhanh vào cuối phiên, khiến giá "vàng đen" kéo dài đợt lao dốc với mức sụt giảm đã lên tới hơn 30% kể từ đầu tháng 10.

Đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York sụt 1,27 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 50,29 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 9/10/2017.

Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức giảm 1,45 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 58,76 USD/thùng.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, một mức tăng vượt dự báo, đạt 450 triệu thùng, mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi vào tháng 9, tồn kho dầu của Mỹ đến nay đã tăng 10 tuần liên tiếp, với tổng mức tăng 14%.

Tồn kho dầu của Mỹ tăng liên tục một phần do yếu tố mùa vụ, bởi đây là thời điểm nhiều nhà máy lọc dầu giảm hoạt động để phục vụ công tác bảo trì. Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ cũng đã tăng lên mức kỷ lục mới 11,7 triệu thùng/ngày.

"Báo cáo này càng gia tăng thêm áp lực giảm giá lên dầu thô, sau khi giá dầu đã giảm hơn 30% trong 2 tháng qua", ông Gene McGillian, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Tradition Energy, phát biểu.

Phiên tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Tư cũng không thể giúp giá dầu đi lên, dù thời gian gần đây giá dầu thường diễn biến cùng chiều với giá cổ phiếu.

"Giá dầu đã cố đi lên theo sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán, nhưng vào cuối ngày, áp lực giảm lại thắng thế. Điều này cho thấy nhiều người vẫn bi quan về triển vọng giá dầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.

Dầu thô đang bị bán mạnh bởi nỗi lo về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và quyết định của Mỹ cho phép 8 nền kinh tế được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng sau khi Washington tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran.

Đợt giảm từ tháng 10 đến nay của giá dầu tương đương với cú sụt diễn ra trong năm 2008, và thậm chí còn sâu hơn cả đợt giảm 2014-2015. Trong hai đợt giảm đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đều giảm sản lượng để vực dậy giá dầu.

Thị trường hiện đang chờ xem liệu OPEC và đối tác, gồm Nga, có đạt thỏa thuận giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 6/12 tại Vienna, Áo. Giới thạo tin nói với Reuters rằng nhóm nước này có thể cắt giảm sản lượng từ 1-1,4 triệu thùng/ngày hoặc hơn.

Chuyên đề