Giá dầu giảm do Nga phát tín hiệu muốn nâng sản lượng

Nga nói rằng nước này và OPEC có thể quyết định nâng sản lượng khai thác dầu để cạnh tranh thị phần với Mỹ...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Nga nói rằng nước này và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể quyết định nâng sản lượng khai thác dầu để cạnh tranh thị phần với Mỹ - quốc gia đang có sản lượng khai thác dầu cao kỷ lục.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, mức giảm của giá dầu bị hạn chế bởi nguồn cung toàn cầu đang có chiều hướng bị thắt lại. Sản lượng dầu của Venezuela và Iran đang giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ, và sản lượng dầu của Libya có nguy cơ sụt về 0 do chiến sự gia tăng.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,49 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 63,33 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu WTI đạt đỉnh 5 tháng ở 64,79 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau giảm 37 USD/thùng, đóng cửa ở 71,18 USD/thùng. Hôm thứ Sáu, giá dầu Brent đạt 71,78 USD/thùng, cao nhất từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu thế giới đã tăng trên 30% từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ việc OPEC và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 1/1 và kéo dài 6 tháng. Đến tháng 6, OPEC+ sẽ họp để quyết định có tiếp tục hạn chế khai thác dầu.

Phát biểu vào cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói nước này và OPEC có thể quyết định tăng sản lượng trở lại để giành thị phần từ Mỹ trên thị trường dầu lửa toàn cầu. Tuy nhiên, ông Siluanov cảnh báo rằng một động thái tăng sản lượng dầu của OPEC và Nga có thể đẩy giá dầu rớt về 40 USD/thùng.

"Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi đang băn khoăn nên làm gì cùng OPEC. Liệu chúng tôi nên chấp nhận để mất thị phần vào tay người Mỹ, hay nên dừng thỏa thuận cắt giảm sản lượng", ông Siluanov nói khi đang ở Washington.

"Nếu thỏa thuận chấm dứt, thì giá dầu sẽ giảm, vốn đầu tư mới rót vào ngành dầu lửa sẽ thu hẹp, sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm xuống, vì chi phí sản xuất dầu đá phiến lớn hơn chi phí sản xuất dầu kiểu truyền thống".

Ông Siluanov cũng nói hiện ông chưa rõ các nước OPEC tính sao về khả năng ngừng thỏa thuận hạn chế khai thác dầu. Một số nguồn tin gần đây nói rằng Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, muốn duy trì việc hạn chế sản lượng, nhưng cũng để ngỏ khả năng nâng sản lượng từ tháng 7 nếu sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục xảy ra ở các nơi khác.

Nhờ cuộc cách mạng trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến, sản lượng dầu thô của Mỹ hiện đang ở mức cao kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày. Vì vậy, Mỹ chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường dầu lửa toàn cầu, đồng thời gây sức ép giảm giá lên năng lượng này.

"Chúng tôi dự báo giá dầu sẽ giằng co trong vùng hẹp quanh ngưỡng 70 USD/thùng trong ngắn hạn", nhà phân tích dầu lửa Virendra Chauhan thuộc Energy Aspects nhận xét, trên cơ sở những dấu hiệu trái chiều về nguồn cung dầu từ Mỹ và OPEC.

Chuyên đề