Giá dầu chạm đáy gần 2 tháng do cung dư thừa ở Mỹ

Tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh, sản lượng dầu thô của Mỹ lập kỷ lục mới...
Sản lượng dầu lửa của Venezuela đang giảm mạnh - Ảnh: Reuters.
Sản lượng dầu lửa của Venezuela đang giảm mạnh - Ảnh: Reuters.

Lượng dầu tồn kho tăng mạnh và sản lượng khai thác dầu lập kỷ lục ở Mỹ đã đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất gần hai tháng - tờ Wall Street Journal cho hay.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) giảm 1,2%, còn 64,73 USD/thùng - mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/4. Tuy nhiên, giá dầu Brent tại thị trường London đóng cửa ở mức 75,36 USD/thùng, gần như không thay đổi so với phiên trước.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho biết lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/6, so với mức dự báo giảm 1,9 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Cùng với đó, sản lượng dầu thô của Mỹ thiết lập thêm một kỷ lục mới ở mức 10,8 triệu thùng/ngày.

Những số liệu này củng cố mối lo về sự gia tăng nguồn cung dầu trên toàn cầu. Mấy tuần gần đây, dầu thô đã bị bán tháo khi thị trường kỳ vọng các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới gồm Saudi Arabia và Nga sẽ sớm nâng sản lượng trở lại sau một thời gian hạn chế khai thác.

"Dữ liệu vừa được công bố làm gia tăng sức ép bán tháo đối với dầu", nhà nghiên cứu thị trường Gene McGillian thuộc Tradition Energy phát biểu. "Nếu những dữ liệu như vậy trở thành xu hướng, thì bức tranh thị trường dầu chắc chắn sẽ thay đổi".

Tháng trước, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - phát tín hiệu sẵn sàng nâng sản lượng. Từ năm 2017 đến nay, OPEC và Nga đã hạn chế sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu, giúp giá dầu đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi vào tháng 5.

Nhiều nhà quan sát dự báo giá dầu có thể sẽ sụt mạnh trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC tại Vienna vào ngày 22/6.

Một bản tin của Bloomberg hôm thứ Ba nói rằng Chính phủ Mỹ đã âm thầm đề nghị Saudi Arabia và một số nước OPEC khác nâng sản lượng dầu tổng cộng 1 triệu thùng/ngày để bù đắp cho sự sụt mạnh giảm lượng dầu của Venezuela.

Sáng ngày thứ Năm, giá dầu thế giới phục hồi, nhưng áp lực giảm vẫn còn lớn.

Giá dầu Brent có lúc tăng 0,4% so với đóng cửa hôm qua, lên 75,69 USD/thùng. Giá dầu WTI có lúc tăng 0,6%, đạt 65,11 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Reuters, Venezuela - một thành viên OPEC - đã trễ hạn 1 tháng trong việc vận chuyển dầu để giao cho khách hàng nhập khẩu từ cảng dầu chính của nước này. Sản lượng dầu của nước này đang giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Trái lại, trong 2 năm qua, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 28%, trung bình tăng 2,3% mỗi tháng kể từ giữa năm 2016.

Chính sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh đã đẩy chênh lệch giữa giá dầu Brent với dầu WTI lên hơn 10 USD/thùng, theo Reuters.

Hiện Mỹ đang gần soán ngôi nước sản xuất dầu lớn nhất của Nga, nước hiện khai thác 11 triệu thùng dầu/ngày. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ cũng được đẩy mạnh.

Chuyên đề