Giá dầu chạm đáy 1 tuần do nỗi lo thương chiến

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang là nhân tố gây áp lực giảm mạnh nhất lên giá dầu...
Giá dầu hiện đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4.
Giá dầu hiện đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4.

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi đợt áp thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiên thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 10 tại thị trường New york giảm 1,16 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 53,94 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ hôm 26/8, theo dữ liệu của FactSet.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 0,7%, còn 58,26 USD/thùng.

"Thương chiến tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường dầu. Đợt áp thuế vào cuối tuần vừa rồi khiến nhà đầu tư càng bi quan hơn về quan hệ Mỹ-Trung. Điều này sẽ kéo giá dầu WTI về vùng hỗ trợ chủ chốt sát ngưỡng 50 USD/thùng", ông Tyler Richey, biên tập viên trang Sevens Report Research, nhận xét với trang MarketWatch.

Phiên này, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ dữ liệu xấu của ngành sản xuất Mỹ và châu Âu.

Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tụt xuống mức 49,1 điểm, so với mức dự báo 51,1 điểm. Việc chỉ số này ở dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ suy giảm trong kỳ báo cáo.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 3 năm ngành sản xuất của Mỹ co lại, với số đơn đặt hàng mới và nhu cầu tuyển dụng cùng suy giảm do chiến tranh thương mại gây sứt mẻ niềm tin của doanh nghiệp.

Được công bố cùng ngày, dữ liệu từ Eurozone cho thấy ngành sản xuất của khu vực trong tháng 8 suy giảm lần đầu tiên trong 7 tháng. Tình trạng tụt giảm nhu cầu tiếp diễn khiến các doanh nghiệp sản xuất ở châu Âu ngày càng bi quan.

"Những dữ liệu xấu này tiếp tục làm suy yếu triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận xét.

Giá dầu hiện đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4, do lo ngại thương chiến sẽ kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung "đang là nhân tố gây áp lực giảm mạnh nhất lên giá dầu".

Tuy nhiên, giá "vàng đen" vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Tuần tới, OPEC và các đối tác của nhóm, trong đó có Nga, sẽ có cuộc họp định kỳ ở Abu Dhabi. Giới đầu tư dự báo trong lần họp này, OPEC và Nga sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ giá dầu bằng cách hạn chế sản lượng.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Lorenzo Simonelli, Tổng giám đốc (CE) công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, cho rằng giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp trong ngắn hạn dưới tác động của các yếu tố trái chiều: một bên là triển vọng nhu cầu yếu do thương chiến Mỹ-Trung, một bên là OPEC giảm sản lượng khai thác.

Chuyên đề