Giá dầu “bốc hơi” gần 7%, chạm đáy 1 năm rưỡi

Với những cú giảm “kinh hoàng” như vậy, giá dầu đang trên đà hoàn tất quý 4/2018 với mức giảm khoảng 40%...
Nhiều yếu tố gây áp lực giảm giá đang đè nặng lên thị trường dầu thô - Ảnh: Reuters.
Nhiều yếu tố gây áp lực giảm giá đang đè nặng lên thị trường dầu thô - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới sụt gần 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, xuống mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi. "Vàng đen" bị bán tháo mạnh mẽ vào cuối phiên, khi nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến nhà đầu tư lo sợ.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giảm 3,06 USD/thùng, tương đương giảm 6,7%, còn 42,53 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent trượt 3,35 USD/thùng, tương đương giảm 6,2%, còn 50,47 USD/thùng.

Phiên giảm này diễn ra sau khi giá dầu WTI mất 11% và giá dầu Brent giảm trên 10% trong tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất của dầu WTI kể từ tháng 22/6/2017 và mức giá thấp nhất của dầu Brent kể từ tháng 17/8/2017.

Với những cú giảm "kinh hoàng" như vậy, giá hai loại dầu này đang trên đà hoàn tất quý 4/2018 với mức giảm khoảng 40%.

Dầu thô đang bị bán tháo cùng với chứng khoán Mỹ và thế giới. Phiên đầu tuần, một chỉ số của thị trường chứng khoán toàn cầu có phiên giảm thứ 8 liên tiếp, trong khi chỉ số S&P 500 gần rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (bear market). Chứng khoán toàn cầu đã giảm gần 9,5% trong tháng 12 này, mạnh nhất kể từ tháng 9/2011, khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang căng thẳng.

"Điều gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán làm dấy lên nỗi lo rằng nền kinh tế sắp rơi vào ngưng trệ và nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm tới sẽ là ‘nạn nhân’", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nói với Reuters. "Mức độ giảm như vậy của giá dầu phản ánh nỗi lo suy giảm tăng trưởng, nếu không muốn nói là suy thoái kinh tế".

Theo ông Flynn, sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong quý 4 này có thể sẽ khiến các nước sản xuất dầu lửa cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu.

Trong quý cuối cùng của năm, thị trường dầu lửa bị đè nặng bởi nỗi lo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu. Cùng với đó, tình trạng thừa dầu trên toàn cầu khiến sự bán tháo bị đẩy mạnh thêm, bên cạnh nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.

Ngoài ra, giới đầu tư hiện cũng đang lo ngại về tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ. Song song với bán tháo các tài sản rủi ro, nhà đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đã nhất trí giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei ngày Chủ nhật nói rằng nếu nỗ lực giảm sản lượng này không thể cân bằng được thị trường, thì OPEC và đồng minh sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường.

"OPEC và đối tác đã bắt đầu phát tín hiệu rằng họ sẽ bình ổn giá dầu bằng mọi giá", ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty môi giới tương lai Oanda, nhận xét.

Chuyên đề