Giá dầu bật tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp

Trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu đã sụt giảm liên tục do lo ngại về việc OPEC và Nga nâng sản lượng...
Một công nhân làm việc tại một mỏ dầu của Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Một công nhân làm việc tại một mỏ dầu của Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới hồi phục mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong đó giá dầu thô tại Mỹ có phiên tăng đầu tiên sau 5 phiên giảm liên tục, nhờ thông tin nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ duy trì việc hạn chế sản lượng hiện nay cho tới ít nhất cuối năm.

Trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu đã sụt giảm liên tục do lo ngại về việc OPEC và đối tác ngoài khối dẫn đầu là Nga có thể sẽ quyết định tăng sản lượng để bù đắp cho phần sản lượng hao hụt của Venezuela và Iran.

Tuy vậy, nỗi lo này đã lắng xuống trong phiên giao dịch ngày 30/5 - trang MarketWatch cho hay.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,48 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 68,21 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu WTI chốt ở mức thấp nhất kể từ ngày 17/4.

Tính đến ngày thứ Ba, giá dầu WTI đã giảm liên 5 phiên, chuỗi giảm dài nhất kể từ chuỗi giảm 6 phiên kết thúc vào ngày 9/2 - theo dữ liệu của FactSet.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 2,11 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 77,5 USD/thùng.

OPEC và các đối tác ngoài khối dự định tiếp tục duy trì thỏa thuận hạn chế sản lượng cho tới cuối năm nay - nguồn thạo tin từ vùng Vịnh tiết lộ với Reuters. Nguồn tin nói đây là chủ trương của Saudi Arabia, nước "anh cả" của OPEC. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nói OPEC và Nga sẵn sàng có sự điều chỉnh từ tốn trong trường hợp có sự thiếu hụt nguồn cung.

Sau khi đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi vào tuần trước, giá dầu đã chịu áp lực bán tháo mạnh kể từ hôm thứ Sáu do thông tin OPEC và Nga tính nâng sản lượng. Giới thạo tin nói nhóm này có thể tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Thỏa thuận hạn chế 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong sản lượng khai thác đã được OPEC và Nga duy trì từ đầu năm 2017 và đến cuối năm nay mới hết hiệu lực. Thỏa thuận này đã góp phần giúp thế giới thoát khỏi tình trạng thừa mứa dầu vốn là nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc từ mức đỉnh trên 100 USD/thùng thiết lập hồi năm 2014.

Trong một báo cáo ra ngày 30/5, các nhà phân tích thuộc ngân hàng ICICI ở Mumbai nâng dự báo bình quân giá dầu Brent lên mức 71 USD/thùng trong năm nay, từ mức 64 USD/thùng trước đó. Tuy vậy, báo cáo này cho rằng giá dầu sẽ còn giảm từ mức hiện tại.

"Chúng tôi giữ quan điểm là giá dầu sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm trong trung hạn, bởi chúng tôi tin rằng dù OPEC có tăng sản lượng, thì mức giá dầu hiện tại vẫn bao gồm phần bù rủi ro (risk premium)" từ 3-5 USD/thùng - báo cáo viết.

Theo các nhà phân tích của ICICI, khả năng sụt giảm nguồn cung dầu từ Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và tái áp trừng phạt nước này "có thể đã bị thổi phồng, bởi các quốc gia khác đang có sự đoàn kết lớn để giữ thỏa thuận, đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể không phát huy tác dụng".

Chuyên đề