Giá dầu bật tăng nhờ tin Mỹ-Trung "chốt" thỏa thuận

Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên ngày thứ Năm và sáng nay (13/12)...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên ngày thứ Năm và sáng nay (13/12), sau khi có tin Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Lúc 9h sáng thứ Sáu theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,43 USD/thùng so với đóng cửa phiên thứ Năm, tương đương tăng gần 0,7%, đạt 64,63 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,34 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,6%, đạt 59,52 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu Brent đóng cửa với mức tăng 1%, và giá dầu WTI tăng 0,7%.

Giá "vàng đen" nhận được "cú huých" quan trọng sau khi Tổng thống Donald Trump đăng một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter nói rằng Mỹ đang gần đạt một "thỏa thuận lớn" với Trung Quốc. Sau đó, các hãng tin lớn như Bloomberg và Reuters đồng loạt đưa tin Mỹ-Trung đã đạt thỏa thuận và thỏa thuận đã được ông Trump nhất trí.

Theo tiết lộ của các nguồn thạo tin, với thỏa thuận này, ông Trump hủy áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 và giảm thuế đã áp trước đó. Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2020.

Hiện chính quyền ông Trump chưa có tuyên bố chính thức nào về thỏa thuận.

"Chúng tôi vẫn đang chờ một thông tin chính thức về thỏa thuận", ông Gene McGillian, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Tradition Energy, phát biểu với Reuters.

Thời gian qua, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bị phủ bóng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những bấp bênh xung quanh khả năng hai bên đi đến một thỏa thuận.

Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, vào tuần trước nhất trí nâng mức cắt giảm sản lượng từ 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay lên 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020.

Nâng đỡ cho giá dầu còn có tín hiệu không điều chỉnh lãi suất đến hết năm 2020 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau khi kết thúc cuộc họp chính sách ngày 10-11/12.

Trong cuộc họp ngày 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, thậm chí để ngỏ khả năng triển khai thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới vẫn đối mặt nguy cơ thừa dầu trong 2020.

"Dù giá dầu đang có khuynh hướng tăng nhờ sự mềm mỏng của FED, đồng USD xuống giá và OPEC+ giảm sản lượng sâu hơn, IEA vẫn cho rằng thị trường dầu có khả năng dư cung trong quý 1 năm tới", nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc UBS nhấn mạnh.

Chuyên đề