FED họp về lãi suất và biến động thị trường tài chính

BĐT- Tỷ giá giao dịch VND so với đồng USD liên tục tăng trong hai ngày qua trong khi trên bình diện quốc tế, chứng khoán và giá dầu đều tăng. Các chuyên gia nhận định, sẽ có sự dịch chuyển của dòng vốn và nhiều tác động đến xuất khẩu. 
Giảm giá nội tệ và Việt Nam có lợi. Ảnh Internet
Giảm giá nội tệ và Việt Nam có lợi. Ảnh Internet

Động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhóm họp về lãi suất đã dẫn đến nhiều biến động về tỷ giá trên thị trường tài chính quốc tế lẫn trong nước. Tỷ giá giao dịch VND so với đồng USD liên tục tăng trong hai ngày qua trong khi trên bình diện quốc tế, chứng khoán và giá dầu đều tăng. Các chuyên gia nhận định, sẽ có sự dịch chuyển của dòng vốn và nhiều tác động đến xuất khẩu. 

Giảm giá nội tệ và Việt Nam có lợi

Theo AFP, sau nhiều năm giữ mức lãi suất thấp (0 - 0,25%) FED có thể tăng nhẹ lãi suất, từ 0,25 - 0,5%. Và khi FED tăng lãi suất USD, tỷ suất cho vay và tiền gửi cũng có thể tăng lên. Trong khi đó, các thị trường đang nổi, nhất là những quốc gia đang gánh những món nợ lớn bằng USD, sẽ chịu nhiều tác động. Đặc biệt, tăng lãi suất USD sẽ gây bất lợi cho việc tài trợ bằng vay nợ đối với các nền kinh tế này, khiến đồng tiền các quốc gia này bị sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu.

Đánh giá tác động của sự kiện này, ông Oliver Garnier, Chuyên gia kinh tế trưởng của Société Générale cho rằng các nước có đồng tiền bị sụt giảm có thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lãi suất nội tệ.

Trong các động thái mới đây của phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ giá giao dịch ngoại tệ đã được điều chỉnh và các chuyên gia cho rằng NHNN đã có phản ứng nhanh, phù hợp. Phản ứng của NHNN đã khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng giá USD ở cả chiều mua vào và bán ra trong những ngày gần đây.

Sáng ngày 16/12, tỷ giá niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại của Việt Nam đồng loạt tăng ở chiều mua vào và giữ ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD ở chiều bán ra. Trước đó, trong ngày 15/12, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD ở chiều mua vào đã tăng lên mức 21.890 VND/USD, tương ứng tăng thêm 90 đồng sau nhiều ngày giữ ở mức ổn định 21.800 VND/USD. Giá USD bán ra cùng ngày của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 22.475 VND/USD.

Với việc giảm giá tiền đồng Việt Nam, ông Mario Singh - Chuyên gia tiền tệ, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Fullerton Markets tại Singapore cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có lợi khi VND giảm giá.

Ông Mario Singh cũng nhận định, nếu lãi suất tiền USD tăng lên, kể cả tăng thấp, thì dòng tiền sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi để trở lại Mỹ. Lý do được đưa ra là bởi USD được coi là đồng tiền an toàn. Và khi có sự dịch chuyển của đồng USD về Mỹ, các chuyên gia nhận định rằng, đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ yếu đi. 

Tác động và phản ứng nhanh trên thế giới

Trên bình diện quốc tế, trong khi FED đang nhóm họp về việc tăng hay không tăng lãi suất thì chứng khoán Mỹ gần như tăng đồng loạt trong ngày 15/12 (theo giờ Mỹ). Giá dầu thế giới cũng đã tăng nhẹ trong cùng ngày. 

Diễn biến trước thềm cuộc họp của FED mấy ngày qua cho thấy hàng loạt các quốc gia, các ngân hàng lớn đã và sẽ điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, kéo theo nhiều nhận định về tác động đối với xuất, nhập khẩu và dòng chảy của vốn ở các nền kinh tế mới nổi.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục giảm giá đồng Nhân dân tệ (CNY) trong những ngày vừa qua. Tỷ giá tham chiếu của CNY hiện đã ở mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Cụ thể, tỷ giá giao dịch đồng CNY với đồng USD trong ngày 10/12 ở mức 6,4236 CNY/USD. Đến ngày 11/12, tỷ giá tham chiếu bình quân của đồng CNY lại được Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ xuống mức 6,4358 CNY/USD, và đến ngày 14/12 đã hạ xuống mức 6,4495 nhân dân tệ/USD.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đồng CNY sẽ còn tiếp tục giảm giá trong thời gian tới. Điều này khiến giới phân tích lo ngại, nhiều quốc gia châu Á sẽ buộc phải hạ giá đồng tiền của họ để bảo đảm lợi thế cạnh tranh trong hoạt động thương mại. Trong những ngày qua, hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới đã có các cuộc họp về chính sách tiền tệ và vấn đề điều chỉnh lãi suất.                

Chuyên đề