EC kêu gọi thúc đẩy liên minh ngân hàng thoát khỏi thế bế tắc

Ngày 11/10, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị hành động vào năm 2018 để cứu liên minh ngân hàng thoát khỏi thế bế tắc hiện nay bằng cách giảm nhẹ các tham vọng đối với dự án bảo hiểm tiền gửi châu Âu, vốn dậm chân tại chỗ từ vài năm qua do thái độ không ủng hộ của Đức.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong một buổi họp báo tại Brussels, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis tuyên bố EU cần tiến tới đồng thuận về hệ thống bảo hiểm tiền gửi châu Âu. Do không đạt nhiều tiến triển trong hai năm qua, ngày 11/10 EC đã đưa ra các đề xuất mới để thúc đẩy dự án này.

Ý tưởng về một liên minh ngân hàng của châu Âu đã được hình thành cách đây 4 năm trong giai đoạn khủng hoảng đồng euro, mục đích của dự án là để tránh việc đổ vỡ hệ thống ngân hàng có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ.

Ngày 24/11/2015, bỏ qua ý kiến quan ngại của nước Đức, EC đã công bố dự thảo bảo hiểm tiền gửi châu Âu với mục tiêu trấn an những người gửi tiền về độ an toàn của các khoản đầu tư mà họ đã bỏ ra.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang dậm chân tại chỗ vì còn phải được Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên EU thông qua.

Tình hình đáng lo ngại của ngành ngân hàng tại một vài quốc gia Nam Âu, như trường hợp của Italy, nơi một số ngân hàng thường xuyên bị chỉ trích vì có quá nhiều nợ xấu, đã làm nước Đức tỏ thái độ chần chừ.

Quốc gia này đã nhiều lần bày tỏ e ngại trước một hệ thống đa tương tác châu Âu khi thấy những người gửi tiền ở Đức lại buộc phải trả tiền cho những ngân hàng của các nước khác, vốn bị coi là có trình độ quản lý kém hơn.

Tất cả quốc gia thành viên EU đều đã thành lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi riêng của mình với mệnh giá rất cạnh tranh lên đến 100.000 euro cho mỗi tài khoản được mở tại một ngân hàng trong trường hợp tổ chức này rơi vào tình trạng phá sản.

Lần này, EC đã đề xuất một kế hoạch gồm hai giai đoạn.

Trong giai đoạn một, nếu một ngân hàng phá sản, những người gửi tiền sẽ được quỹ bảo hiểm quốc gia hoàn trả. Nếu quỹ này không đủ khả năng chi trả, quỹ châu Âu sẽ bổ sung thêm một khoản tín dụng cần thiết.

Giai đoạn thứ hai, theo dự kiến ban đầu sẽ được áp dụng vào năm 2020, sẽ chỉ được khởi động với điều kiện tất cả ngân hàng EU đã vượt qua “một cuộc kiểm tra sức khỏe,” được thực hiện bởi những nhà chức trách châu Âu, nhất là về khả năng ngân hàng đó đã giảm mức nợ xấu đến ngưỡng chấp nhận được hay chưa.

Một khi các nguy cơ được giảm thiểu trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu, người ta sẽ chuyển sang giai đoạn chia sẻ về các nguy cơ, đồng thời áp dụng hệ thống bảo hiểm tiền gửi chung trên toàn châu Âu./.

Chuyên đề