Dầu tụt giá mạnh vì tồn kho của Mỹ tăng mạnh

Ngoài ra, thông tin nói rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể bị hoãn cũng gây sức ép giảm lên giá dầu...
Một nhà máy lọc dầu ở Australia - Ảnh: Getty/CNBC.
Một nhà máy lọc dầu ở Australia - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng vượt dự báo. Ngoài ra, thông tin nói rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể bị hoãn cũng gây sức ép giảm lên giá dầu.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 giảm 1,22 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 61,74 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 12 giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 56,35 USD/thùng.

Phiên giảm này chấm dứt chuỗi ba phiên tăng liên tục trước đó của giá "vàng đen".

Ngay từ đầu phiên, giá dầu đã bị đẩy xuống bởi dữ liệu từ báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 1/11 tăng 7,9 triệu thùng, so với mức tăng 1,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Giá dầu giảm sâu hơn sau khi hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" có thể bị hoãn tới tháng 12, thay vì diễn ra trong tháng 11 như dự kiến ban đầu.

Theo ông Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, thị trường đã bị sốc bởi số liệu về lượng dầu tồn kho của Mỹ. Ông Flynn cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn nếu báo cáo của EIA không cho thấy tồn kho xăng giảm 2,8 triệu thùng, mức giảm nhiều hơn dự báo.

Cũng theo nhà phân tích này, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh là do lượng dầu xuất khẩu trong tuần giảm và nhập khẩu tăng.

Sức ép đối với giá dầu càng lớn hơn khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ thấp hơn dự báo. Cơ sở của cảnh báo này, theo IMF, là cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong ngành sản xuất của Eurozone do tác động của thương chiến Mỹ-Trung có thể lan rộng sang ngành dịch vụ của khu vực.

Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy ngành dịch vụ của Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, hầu như không tăng trong tháng 11. Hoạt động kinh doanh của nước này tăng trưởng tốt hơn dự báo, nhưng vẫn ở gần ngưỡng ngưng trệ.

Căng thẳng ở khu vực Trung Đông phần nào hỗ trợ cho giá dầu phiên này. Iran đã bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại một cơ sở hạt nhân trong lòng đất. Động thái này tiếp tục cách ly Tehran vơi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc vào năm 2015.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo lên Iran, khiến mâu thuẫn ở Trung Đông - nơi giữ vai trò "vựa dầu" của thế giới - bị đẩy cao trong mùa hè năm nay.

Gần đây, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, hạ thêm sản lượng khai thác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 6/11 nói rằng mức giá dầu trên 60 USD/thùng hiện nay cho thấy thị trường đang ổn định.

Chuyên đề