Dầu trượt giá vì bất đồng giữa Saudi Arabia và Nga

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là “đám mây đen” phủ bóng lên thị trường năng lượng...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi hai nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Nga chưa đạt nhất trí về vấn đề sản lượng. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là "đám mây đen" phủ bóng lên thị trường năng lượng.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York giảm 0,73 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 53,26 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 62,29 USD/thùng.

Ngày đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih nói rằng Nga là thành viên duy nhất trong thỏa thuận hạn chế sản lượng của nhóm OPEC+ còn chưa đưa ra quyết định về sự cần thiết phải gia hạn thỏa thuận.

Từ đầu năm đến nay, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, trong đó có Nga, tức nhóm OPEC+ thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày để hỗ trợ giá dầu. Thỏa thuận sẽ hết hạn sau 6 tháng thực hiện, và vào đầu tháng tới, OPEC+ sẽ ra quyết định có gia hạn thỏa thuận đến cuối năm hay không.

Theo hãng tin CNBC, điều khiến Moscow lo ngại là việc tiếp tục hạn chế sản lượng có thể giúp Mỹ chiếm mất thị phần của Nga trên thị trường dầu lửa toàn cầu. Mối lo này khiến Nga chưa đi đến quyết định có tiếp tục giảm sản lượng cùng OPEC+ hay không.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng vẫn có nguy cơ OPEC+ đang sản xuất quá nhiều dầu và giá dầu có thể giảm sâu hơn. Ông Novak cũng nói ông không loại trừ khả năng giá dầu sụt về 30 USD/thùng nếu thỏa thuận của OPEC+ không được gia hạn.

"Trên thực tế, có những rủi ro lớn đến từ việc sản xuất quá nhiều dầu. Nhưng nhìn chung, chúng ta cần phân tích kỹ hơn và xem xét tình hình sẽ diễn biến thế nào trong tháng 6 và đưa ra một quyế định cân bằng trong cuộc họp của OPEC+ vào tháng 7", ông Novak phát biểu.

Ông Novak cho biết nhiều nước trong nhóm đã xác nhận sẵn sàng cho một cuộc họp của OPEC+ tại Vienna, Áo vào ngày 2-4/7, thay vì vào cuối tháng này như dự kiến ban đầu.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico về ngăn dòng người di cư từ Trung Mỹ, theo đó giúp Mexico thoát khỏi kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump, đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu trong phiên đầu tuần.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn bày tỏ lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Suy giảm tăng trưởng kinh tế sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng yếu đi.

Ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc ngay lập tức nếu không đạt thỏa thuận trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này để ngỏ khả năng nối lại đàm phán với Mỹ, nhưng chưa hề xác nhận về một cuộc gặp như vậy giữa lãnh đạo hai nước.

Số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này giảm còn 40,23 triệu tấn trong tháng 5, so với mức kỷ lục mọi thời đại 43,73 triệu tấn trong tháng 4, do nước này phải giảm nhập khẩu dầu Iran vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Trong bối cảnh mối lo về thuế quan Mỹ-Trung gia tăng, nhu cầu dầu của thế giới năm nay và năm tới có thể chững lại, hạn chế khả năng tăng của giá dầu", ông Jim Ritterbusch, Giám đốc của Ritterbusch and Associates nhận xét.

Một báo cáo của ngân hàng Barclays đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - 4 quốc gia chiếm hơn 3/4 tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu mà nhà băng này dự báo cho năm 2019.

Theo Barclays, việc các nền kinh tế này giảm tốc sẽ gây suy giảm 300.000 thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu 1,3 triệu thùng/ngày của năm 2019 mà Barclays đưa ra trước đó.

Chuyên đề