Dầu rớt giá dù lượng tồn kho của Mỹ sụt giảm

Gây áp lực giảm giá lên “vàng đen” phiên này tiếp tục là nỗi lo của nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu...
Một giàn khoan dầu ngoài khơi Brazil - Ảnh: Getty/CNBC.
Một giàn khoan dầu ngoài khơi Brazil - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cho dù thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh. Gây áp lực giảm giá lên "vàng đen" phiên này tiếp tục là nỗi lo của nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 0,65 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 63,18 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 9 giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 55,88 USD/thùng.

Theo hãng tin Reuters, tâm lý trên thị trường dầu đang suy giảm theo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Một nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng yếu đi. Mối lo này lấn át những tín hiệu về sự thắt chặt nguồn cung, trong đó có số liệu về lượng dầu tồn kho của Mỹ

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của nước này sụt giảm 10,8 triệu thùng trong tuần kết thúc và ngày 19/7, so với dự báo giảm 4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Căng thẳng tiếp diễn ở Vùng Vịnh cũng không thể giúp dầu tránh được một phiên giảm giá. Mấy phiên trước, tình hình ở khu vực này cũng đẩy giá dầu tăng, nhưng mức tăng khá dè dặt.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 24/7 tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán "công bằng" về chương trình hạt nhân của Tehran, nhưng sẽ không bao giờ đàm phán nếu việc đó đồng nghĩa với sự đầu hàng.

Trong một diễn biến leo thang khác, Anh đã nhận được sự ủng hộ ban đầu từ Pháp, Italy và Đan Mạch về kế hoạch mở một sứ mệnh hải quân do châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo sự di chuyển an toàn của tàu bè qua eo biển Hormuz. Động thái này diễn ra sau vụ Iran bắt một tàu chở dầu của Anh ở Hormuz vào tuần trước.

Một cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố bất kỳ sự thay đổi nguyên trạng nào ở eo biển Hormuz - nơi Iran tuyên bố mình là người bảo vệ - sẽ mở ra cánh cửa cho một cuộc đối đầu nguy hiểm.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích không cho rằng tình hình này ở Vùng Vịnh có thể đẩy giá dầu tăng vọt.

"Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ từ căng thẳng gia tăng trong tuần này ở Vùng Vịnh, ít nhất cho tới khi nguồn cung dầu thực tế bị gián đoạn một lượng lớn", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates, nhận định.

Chuyên đề