Dân Qatar bắt đầu tích trữ đồ ăn

Việc không tự sản xuất được lương thực khiến người Qatar lo ngại nhu yếu phẩm sẽ sớm khan hiếm, tăng giá khi các nước láng giềng cắt quan hệ.

* Qatar sẽ phải đối mặt với khủng hoảng như thế nào?

Người dân Qatar đã bắt đầu tích trữ đồ ăn từ hôm qua (5/6), sau khi lần lượt Ai Cập, Bahrain và Arab Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với lý do nước này tài trợ cho khủng bố. Người dân lo ngại quan hệ bất ổn với các nước láng giềng có thể khiến Qatar bị phong toả kinh tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Qatar hiện là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nhưng lại sống chủ yếu nhờ thực phẩm nhập khẩu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đất nước có phần lớn diện tích là sa mạc này đã nhập khẩu khoảng 1.000 tỷ USD thực phẩm năm 2015. Một phần ba số này đến từ Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Tuy nhiên, Saudi Arabia đã cắt đứt toàn bộ đường bộ, biển và hàng không với Qatar. Trong khi, UAE cũng đóng của tất cả các sân bay, cảng biển đến Qatar.

"An ninh lương thực là một vấn đề lớn với Qatar. Nên việc cắt đứt đường bộ và hàng không ảnh hưởng tới chuỗi cung cấp thực phẩm tại đây", Abdel Ghafar - một người khách vừa ghé thăm trung tâm thương mại Brookings Doha Center chia sẻ. Anh cho biết các siêu thị ở đây đã đông hơn thường lệ,

Dân Qatar bắt đầu tích trữ đồ ăn ảnh 1

Một số thực phẩm thiết yếutrong các siêu thị tại Qatar đã hết.

Nếu hai nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất ngừng hợp tác, Qatar sẽ phải tìm những đối tác khác. Theo trang Fars, hiện tại, Iran đã chuẩn bị chuyển thực phẩm tới Qatar qua 3 cảng phía nam nước này. Tuy nhiên, thiện chí hợp tác cùng Iran của Qatar trước đó cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng căng thẳng với các quốc gia vùng Vịnh.

Các quốc gia Arab đã tuyên bố một lệnh trừng phạt với Qatar. Theo đó, các nhà ngoại giao Qatar sẽ phải rời khỏi Saudi Arabia, UAE và Bahrain trong 48 giờ, còn công dân Qatar là 14 ngày.

Đồng thời, các hãng hàng không từ những quốc gia này sẽ dừng bay đến Qatar từ hôm nay (6/6) cho tới khi có thông báo mới. Điều này sẽ tạo ra những bất ổn kinh tế lớn trong khu vực.

Qatar ước tính giá trị thương mại với UAE đạt 7.000 tỷ USD trong năm 2015. Hiện tại, hơn 4.000 doanh nghiệp Qatar đang hoạt động tại UAE.

Xung đột ngoại giao giữa Qatar với các quốc gia Arab đã gây ra một vết nứt lớn trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Hội đồng này bao gồm Saudi Arabia, UAE, Oman, Bahrain, Kuwait và Qatar, được thành lập từ năm 1981.

GCC có vai trò điều phối tình hình chính trị và chính sách kinh tế trong khu vực này. Ví dụ như công dân trong GCC có thể tự do đi du lịch và làm việc tại bất kỳ quốc gia thành viên nào. Đồng thời, các nước phải cùng hợp tác giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Căng thẳng chính trị xuất phát từ tuần trước sau khi Thông tấn xã Qatar trích dẫn một bình luận của Quốc vương Qatar về Iran và chỉ trích Tổng thống Trump vì chính sách cứng rắn với Tehran. Tuy nhiên, Qatar cho rằng thông tấn xã bị tin tặc tấn công và những thông báo của Quốc vương là tin giả mạo.

Chuyên đề