Cựu nhân viên Google trở thành người giàu thứ 12 tại Trung Quốc

Startup thương mại điện tử Pinduoduo của Colin Huang vừa IPO thành công khi huy động được 1,63 tỷ USD và cổ phiếu tăng tới 44% trong phiên giao dịch đầu tiên...
Colin Huang - Ảnh: Bloomberg.
Colin Huang - Ảnh: Bloomberg.

Người sáng lập của Pinduoduo Inc. (PDD) - Colin Huang vừa trở thành tỷ phú sau khi startup thương mại điện tử chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. 

Theo Bloomberg Billionaires Index, cựu nhân viên Google này hiện sở hữu tài sản 13,8 tỷ USD, vào top 100 người giàu nhất thế giới và giàu thứ 12 tại Trung Quốc. Sau IPO, Huang sở hữu 46,8% cổ phần của Pinduoduo (còn gọi là PDD) . 

Giá cổ phiếu PDD đã tăng tới 44% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán New York, sau khi huy động được 1,63 tỷ USD trong thương vụ IPO lớn thứ 4 tại Mỹ năm nay. Chốt phiên ngày 26/7, cổ phiếu này tăng 41% ở mức 26,7 USD/cổ phiếu, đưa vốn hóa của công ty lên gần 30 tỷ USD. Trước đó, ngày 26/6, PDD chào bán 85,6 triệu cổ với ngưỡng giá 16 - 19 USD/cổ phiếu. 

Huang, bắt đầu sự nghiệp tại trụ sở của Google vào năm 2004 với vị trí kỹ sư phần mềm nhưng tới năm 2006 trở về quê hương để giúp thành lập Google Trung Quốc. Một năm sau đó, Huang thành lập công ty riêng - một trang thương mại điện tử có tên Ouku.com và bán đi 3 năm sau đó. Hiện tại, công ty PDD của Huang nhận được đầu tư từ nhiều công ty lớn, trong đó có Sequoia Capital và Tencent Holdings Ltd.

Trong các thương vụ IPO tại Mỹ từ đầu năm, PDD chỉ đứng sau chi nhánh tại Mỹ của Axa SA vớ 3,2 tỷ USD, Pagseguro Digital Ltd. 2,6 tỷ USD và iQiyi Inc. 2,4 tỷ USD. Công ty Mỹ duy nhất trong top 5 là ADT Inc, huy động được 1,47 tỷ USD. 

Trên toàn cầu, các công ty Trung Quốc chiếm tới 28% trong tổng số 114 tỷ USD mà 951 công ty huy động được trong IPO từ đầu năm. Các công ty này cũng chiếm tới 17% IPO thực hiện trên các sàn chứng khoán của Mỹ. 

PDD chiếm thị phần thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc bằng việc đưa ra mô hình mua sắm mà ở đó người dùng đánh dấu một sản phẩm, dịch vụ như trái cây, quần áo và giấy ăn, rồi sau đó rủ bạn bè mua chung để được giảm giá. 

Ngoài nổi tiếng với giá rẻ, PDD còn khai thác lượng lớn người dùng tại các khu vực nông thông và thành phố còn chưa phát triển. Công ty 3 năm tuổi này đóng vai trò như một trung gian cho các nhà cung cấp độc lập, xử lý 3,4 tỷ đơn hàng trong năm ngoái và các giao dịch trị giá 41,8 tỷ USD trong vòng 12 tháng tính tới 30/6. 

Sau khi chuyển đổi từ mô hình bán hàng trực tiếp, PDD cho biết hiện doanh thu của công ty chủ yếu đến từ dịch vụ gian hàng trực tuyến, mang về 278 triệu USD trong năm 2017. Trong quý 1/2018, doanh thu của công ty này tăng lên 220,7 triệu USD. Tuy nhiên, năm ngoái, khoản lỗ của công ty này tiếp tục tăng lên gần 80 triệu USD, do chi phí tăng mạnh vào hoạt động marketing. 

"Để đạt được và thúc đẩy lợi nhuận, PDD phải dùng số tiền huy động được qua IPO để tăng số lượng người dùng với cùng tốc độ tăng trưởng và duy trì tăng trưởng", Eleanor Creagh, nhà chiến lược tại Saxo Bank nói. "Các thành phố kém phát triển tại Trung Quốc đang ngày càng trở lên lớn hơn và giàu có hơn, và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng tiêu dùng của nền kinh tế nước này". 

Hồi tháng 4, PDD cũng phát hành số cổ phần trị giá ít nhất 1 tỷ USD, dựa trên giá IPO, cho một công ty thuộc quyền kiểm soát của Huang. 

Huang lớn lên tại Hàng Châu, theo học Đại học Chiết Giang và lấy bằng thạc sĩ ngày khoa học máy tính tại trường Đại học Wisconsin (Mỹ). Huang có ý định quyên góp một số cổ phần tại PDD cho 2 tổ chức từ thiện mà ông định thành lập. 

Chuyên đề