Chứng khoán Trung Quốc đã mất 2 nghìn tỷ USD vốn hóa trong năm nay

Loạt yếu tố bất lợi đã đẩy nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc vào tình trạng thua lỗ tồi tệ nhất trong nhiều năm...
Giới phân tích nói rằng không có nhóm cổ phiếu nào trên thị trường chứng khoán Tr.ng Quốc được xem là "an toàn" năm nay
Giới phân tích nói rằng không có nhóm cổ phiếu nào trên thị trường chứng khoán Tr.ng Quốc được xem là "an toàn" năm nay

Một loạt yếu tố bất lợi đã đẩy nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc vào tình trạng thua lỗ tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây - Bloomberg cho hay.

Theo hãng tin này, thị trường chứng khoán tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã mất 2 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa từ đầu năm do ảnh hưởng của những yếu tố như vụ bê bối vaccine toàn quốc, tiêu dùng giảm sút, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh tay với các hãng công nghệ Trung Quốc, việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với các công ty giáo dục, trò chơi trực tuyến và dược phẩm…

Trong bối cảnh chứng khoán Trung Quốc chìm sâu trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), toàn bộ 10 nhóm cổ phiếu ngành của chỉ số CSI 300 đang trên đà hoàn tất năm 2018 với mức giảm ít nhất 10%.

Với mức giảm như vậy, đây sẽ là một trong những năm mà chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giới phân tích nói rằng không có nhóm cổ phiếu nào trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được xem là "an toàn" năm nay, khi thị trường chịu áp lực từ sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhiều kỷ lục, và mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ trở nên căng thẳng.

Công nghệ và viễn thông là hai trong số những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất của chứng khoán Trung Quốc năm nay. Những cáo buộc của Mỹ cho rằng hai công ty Trung Quốc ZTE và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran đã dẫn tới các lệnh cấm và bắt giữ, "đổ thêm dầu vào lửa" quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu ZTE đã bị ngừng giao dịch trong vòng 2 tháng do công ty này bị Mỹ trừng phạt. Dù đã giao dịch trở lại và hồi phục, cổ phiếu ZTE hiện vẫn giảm giá khoảng 43% so với thời điểm đầu năm.

Việc Mỹ có kế hoạch siết chặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc. Cổ phiếu công ty GoerTek đã giảm 58% trong năm nay và công ty đang tính chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro.

Cổ phiếu tiêu dùng tưởng như có thể tránh được tác động của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang khiến niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng của các công ty cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) ở Trung Quốc cũng khiến nhiều người mất trắng tiền tiết kiệm, dẫn tới việc thắt chặt chi tiêu. Doanh số của hãng loạt mặt hàng tiêu dùng như xe hơi, máy giặt, rượu cao cấp… đều sụt giảm trong năm nay.

Một chỉ số đo giá các cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đã giảm 34% kể từ mức đỉnh hồi tháng 1.

Một số nhóm cổ phiếu khác như dược phẩm và giáo dục cũng không tránh khỏi xu hướng giảm chóng mặt của toàn thị trường. Trong đó, cổ phiếu dược phẩm lao dốc do vụ bê bối vaccine, còn giá cổ phiếu giáo dục sụt giảm sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành quy định cấm các công ty giáo dục huy động vốn từ thị trường chứng khoán để đầu tư vào các trường mẫu giáo hoạt động vì lợi nhuận. Cổ phiếu công ty giáo dục Vtron Group đã sụt khoảng 60% năm nay.

Chuyên đề