Chứng khoán thế giới “bay” ít nhất 4.000 tỷ USD vốn hóa trong tháng 10

Niềm tin của nhà đầu tư không tốt sau khi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi chứng khoán toàn cầu trong tháng...
Tháng 10 đã trở thành một tháng đáng quên đối với giới đầu tư chứng khoán toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Tháng 10 đã trở thành một tháng đáng quên đối với giới đầu tư chứng khoán toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm ngày thứ Tư, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, một phần nhờ những lời hứa của Trung Quốc về hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vẫn đang mong manh, sau khi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi chứng khoán toàn cầu trong tháng này.

Theo hãng tin Reuters, một loạt yếu tố bất lợi - từ quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cho tới nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất ở Mỹ tăng, và khả năng suy giảm tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết - đã gây sóng gió trên thị trường tài chính thế giới mấy tuần qua.

Hưởng ứng phiên hồi phục vào ngày thứ Ba của chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á đã tăng điểm trên diện rộng trong phiên 31/10. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1%.

Mặc dù vậy, chỉ số này đã giảm khoảng 11% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2011. Hôm thứ Hai, MSCI châu Á-Thái Bình Dương chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017.

Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu - bao gồm các thị trường phát triển và một số thị trường mới nổi lớn - đã giảm 8,6% trong tháng này, tương đương 4 nghìn tỷ USD vốn hóa "bốc hơi".

Chỉ số MSCI World Index với phạm vi bao trùm hẹp hơn đã giảm 8,43% trong tháng, tương đương mức sụt giảm vốn hóa 4,5 nghìn tỷ USD.

Phiên ngày thứ Tư, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng 1% và chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng 1,2%, khi nhà đầu tư tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ số chứng khoán đi lên bất chấp chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc yếu đi nhiều hơn dự báo do tác động của chiến tranh thương mại.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei tăng 2,2%, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phát tín hiệu sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thêm một thời gian.

Sau khi chạm đáy của 10 năm trong phiên ngày thứ Ba, tỷ giá đồng Nhân dân tệ phục hồi yếu và ổn định ở ngưỡng 6,9673 Nhân dân tệ đổi 1 USD tại thị trường đại lục trong phiên ngày thứ Tư.

Nhân dân tệ đã giảm giá 1,4% trong tháng dưới áp lực từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tháng 10 đã là tháng giảm thứ 7 liên tiếp của Nhân dân tệ, chuỗi tháng giảm dài chưa từng thấy của đồng tiền này.

Chuyên đề