Chứng khoán Mỹ tăng liền 5 phiên, bất chấp cảnh báo của Macy’s

5 phiên tăng liên tục tính đến ngày thứ Năm là chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 9...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/1 chốt phiên tăng thứ 5 liên tục, sau khi giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch do phản ứng của nhà đầu tư với phát biểu có những tín hiệu trái chiều của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell.

Phiên đi lên này của Phố Wall diễn ra bất chấp sự sụt giảm của các cổ phiếu bán lẻ sau cảnh báo từ Macy’s.

Theo tin từ Reuters, trong phát biểu mới nhất, ông Powell khẳng định quan điểm FED sẽ kiên nhẫn trong vấn đề nâng lãi suất trong năm 2019. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ chuyển sang trạng thái giảm sau khi người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói rằng bảng cân đối kế toán của FED sẽ "giảm đi nhiều", đồng thời bày tỏ lo ngại về mức nợ công của Mỹ.

"Phát biểu đó khiến thị trường lo ngại một chút. Những gì ông ấy nói không chỉ là đánh giá về nền kinh tế nói chung", ông Randy Frederick, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch và phái sinh thuộc Charles Schwab, nhận định.

Chỉ số S&P 500 hiện đã tăng 10% kể từ mức đáy của 20 tháng thiết lập vào dịp Giáng sinh. Động lực chính cho sự phục hồi của chỉ số này là hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. 5 phiên tăng liên tục tính đến phiên ngày thứ Năm là chuỗi phiên tăng dài nhất của S&P kể từ tháng 9.

Phiên này, niềm lạc quan về thương mại giảm bớt phần nào vì Trung Quốc không đưa ra những thông tin cụ thể về những vấn đề chủ chốt trong đàm phán thương mại như chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, hàng rào thuế quan và tấn công mạng.

Thông tin từ hãng bán lẻ Macy’s và hãng hàng không American Airlines làm gia tăng mối lo của nhà đầu tư về sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Cổ phiếu Macy’s sụt 17,69%, kéo theo các cổ phiếu bán lẻ khác, sau khi hãng này cắt giảm dự báo doanh thu cả năm 2017 do nhu cầu yếu trong tháng 12.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 sẽ diễn ra ở Phố Wall trong thời gian vài tuần tới đây. Theo dữ liệu từ Refinitiv, các công ty trong S&P 500 được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 14,5% trong quý 4/2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 2019 hiện chỉ được dự báo đạt 6,4%, so với mức dự báo tăng 7,3% đưa ra hồi đầu tháng này.

"Quý vừa rồi vẫn là một quý tốt, nhưng triển vọng của thời gian tới sẽ xấu đi cho tới khi nào đàm phán thương mại có kết quả cuối cùng. Hiện vẫn còn nhiều bấp bênh", nhà quản lý danh mục Kurt Brunner thuộc Swarthmore Group nhận định.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,51%, đạt 24.001,92 điểm. S&P tăng 0,45%, đạt 2.596,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,42%, đạt 6.986,07 điểm.

Cổ phiếu công nghiệp, nhóm nhạy cảm với tin thương mại, tăng 1,44%, dẫn đầu bởi cổ phiếu Boeing tăng 2,55%.

Cổ phiếu American Airlines sụt 4,13% sau khi hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ cắt giảm dự báo lợi nhuận quý 4. Sự sụt giảm của cổ phiếu này cũng gây áp lực giảm lên các cổ phiếu hàng không khac.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 10 nhóm tăng phiên này. Dẫn đầu là nhóm địa ốc tăng 1,55%. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu giảm 0,23%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,61 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,19 lần.

Có tổng cộng 7,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 8,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề