Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ lạc quan thương mại

Tâm lý của thị trường tốt hơn một số tín hiệu tốt về quan hệ thương mại Mỹ-Trung và tình hình chính trị ở Anh...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên giao dịch ngày thứ Tư, dù không giữ được mức cao của phiên do một số nhà đầu tư bán ra trong những phút cuối. Phiên này, tâm lý của thị trường tốt hơn nhờ một số tín hiệu tốt về quan hệ thương mại Mỹ-Trung và tình hình chính trị ở Anh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc thảo luận thương mại Mỹ-Trung đang được hai bên tiến hành. Ông cũng nói Trung Quốc đã có đợt mua đậu tương Mỹ với khối lượng lớn lần đầu tiên kể từ khi hai bên đạt thỏa thuận "đình chiến" thương mại vào đầu tháng này.

Ngoài ra, ông Trump cho biết sẽ can thiệp vào vụ bắt Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn tài chính công nghệ Huawei nếu việc này có thể giúp đạt được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Giới đầu tư ở Phố Wall hiện vẫn đang lo ngại về sự biến động của thị trường thời gian từ nay đến ngày 1/3 - hạn chót để hai bên đạt thỏa thuận nếu không Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy vậy, những gì ông Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đã khiến nhà đầu tư yên tâm hơn.

"Tất cả những gì ông Trump nói thể hiện một tư thế đàm phán… Thị trường vẫn muốn Tổng thống có những tuyên bố với nhiều dữ liệu và chi tiết hơn. Tuy nhiên, những gì ông ấy nói sẽ khiến Trung Quốc phải nghĩ lại về lập trường cứng rắn của họ", ông Ernesto Ramos, một Giám đốc của công ty quản lý tài sản BMO Global Asset Management ở Chicago, nhận định.

"Ông Trump đang có những nỗ lực không ngừng để khiến Trung Quốc phải có sự nhượng bộ. Điều đó làm thị trường thấy hào hứng", ông Ramos nói.

Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, khi thị trường đón nhận nhiều tin tức, từ vấn đề thương mại Mỹ-Trung, khả năng Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa, cho tới bấp bênh xung quanh kế hoạch Brexit của Anh.

Ông Ramos cho rằng việc các chỉ số chứng khoán Mỹ thu hẹp mức tăng một cách nhanh chóng trong 20 phút cuối của phiên giao dịch ngày thứ Tư là một dấu hiệu cho thấy thị trường có thể giảm điểm trong phiên ngày thứ Năm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,64%, còn 24.527,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,54%, đạt 2.651,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,95%, đạt 7,098,31 điểm.

Ông Robert Phipps, Giám đốc Per Stirling, dự báo chứng khoán Mỹ sẽ giữ được điểm số trên mức đáy của năm 2018 - ngưỡng mà thị trường đã nhiều lần thử phá trong thời gian gần đây - nhưng độ biến động sẽ tiếp tục cao.

"Ông Trump khó có thể đạt thỏa thuận với Trung Quốc trước cuối tháng 2. Mà càng gần đến hạn chót, thì ông ấy sẽ càng đưa ra những tuyên bố gây lo ngại", ông Phipps nhận định. "Có nhiều vấn đề chính trị gây sức ép lên thị trường trong thời gian từ nay đến hết tháng 2".

Một tin tốt khác đối với giới đầu tư ở Phố Wall phiên này là việc Thủ tướng Anh Theresa May vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Tuần này, bà May vẫn chưa đạt được một thỏa thuận về Brexit, khiến nhà đầu tư lo sợ về khả năng Brexit bị trì hoãn, hoặc thậm chí là nước Anh sẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về địa vị thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 8 nhóm tăng phiên này, nhưng chỉ có một nhóm duy nhất là tiêu đùng thiết yếu đạt mức tăng trên 1%. Nhóm bất động sản giảm mạnh nhất, mất 1,9%.

Cổ phiếu công ty dịch vụ truyền nhạc trực tuyến Tencent của Trung Quốc tăng 7,7% trong phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,02 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,09 lần.

Có tổng cộng 8,13 tỷ cổ phiếu được giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng phiên này, so với mức bình quân 8,06 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề