Chứng khoán châu Á trượt dốc theo chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba...
Chứng khoán châu Á trượt dốc theo chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến chứng khoán Mỹ rớt xuống mức thấp nhất hơn 1 năm trong phiên ngày thứ Hai.

Theo hãng tin Reuters, vào giữa phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,9%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản mất 1,8%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI 300 - thước đo của các cổ phiếu blue-chip - sụt 1,1%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm 1,2%, chứng khoán Australia cũng mất 1,2% điểm số. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc giảm 0,4%.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/12 đã có một bài phát biểu được chờ đợi về cải cách kinh tế, nhưng bài phát biểu này dường như không có tác dụng trấn an thị trường.

Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu giảm 0,2% vào giữa ngày thứ Ba. Trong phiên ngày thứ Hai, chỉ số này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Hiện tại, chỉ số đã giảm 16% kể từ mức đỉnh thiết lập hôm 29/1.

Trong phiên ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm 2,08%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017, phá đáy thiết lập trong đợt bán tháo hồi tháng 2. Tính từ cuối tháng 9, S&P đã mất 3,4 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa.

Một cảnh báo về lợi nhuận từ ASOS - hãng bán lẻ thời trang Anh quốc vốn đang ăn nên làm ra - đã khiến giới đầu tư bị sốc. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu của S&P sụt 2,8%.

Ngoài ra, một chỉ số của thị trường bất động sản cho thấy niềm tin của các công ty phát triển địa ốc tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này gây thất vọng.

Những dữ liệu đáng lo ngại trên về kinh tế Mỹ được đưa ra sau loạt thống kê èo uột về kinh tế Trung Quốc và châu Âu hồi tuần trước.

"Khả năng là sẽ có thêm nhiều con số yếu kém được đưa ra so với những gì đang được kỳ vọng", chuyên gia kinh tế trưởng Harumi Taguchi thuộc IHS Markit nhận định. Bà Taguchi nói rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ yếu hơn so với dự báo ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ nâng lãi suất vào ngày thứ Tư tuần này, và đây sẽ là đợt nâng lãi suất lần thứ tư của FED trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự báo, với sự xuất hiện của nhiều dấu hiệu bất ổn về kinh tế, FED sẽ giãn tiến độ nâng lãi suất trong năm 2019.

Ngày thứ Hai, cả Tổng thống Donald Trump và cố vấn cấp cao của ông Trump cùng chỉ trích việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ. "Không thể tin được là với một đồng USD mạnh và hầu như không có lạm phát… FED lại vẫn đang tính tăng lãi suất thêm lần nữa", ông Trump viết trên Twitter.

Vài giờ sau, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro, nói rằng FED "điên rồ" khi phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019.

Hồi tháng 9, FED dự kiến có 3 lần nâng lãi suất trong năm 2019, trong khi thị trường tiền tệ giao sau dự báo FED có dưới 1 lần tăng lãi suất trong năm tới.

"Sự kiện lớn trong thời gian còn lại của năm là FED sẽ làm gì vào ngày mai", ông Jim McCafferty, nhà nghiên cứu thị trường chứng khoán khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản của Nomura tại Hồng Kông, nhận định. "Xét đến sự thay đổi niềm tin đang diễn ra, không chỉ của các công ty mà còn của cả các nền kinh tế lớn, rất có thể FED sẽ đưa ra một thông điệp im ắng hơn về dự báo tăng trưởng và tiến độ tăng lãi suất".

Khả năng FED tăng lãi suất chậm lại khiến đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác như Euro, Yên Nhật và Nhân dân tệ.

Dầu thô cũng tiếp tục giảm giá dưới sức ép của nỗi lo dư cung và nhu cầu tiêu thụ chững lại do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ có lúc rớt về 48,52 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 9 năm ngoái. Giá dầu Brent giao sau tại London có lúc giảm còn 58,69 USD/thùng.

Chuyên đề